Có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng chuyện xảy ra ở thôn Lập Thành, xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá: Sáp nhập 27 hộ nghèo thành một, để… đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM). Việc chỉ vỡ lở khi "hộ" này được chi nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng của Chính phủ do dịch Covid-19. Có lẽ tổ chức Guinness thế giới nên ghi nhận kỷ lục về gia đình to nhất, nghèo nhất Việt Nam này!
Ông trưởng thôn Lập Thành phân bua rằng đó là nguyện vọng của người dân trong thôn. Nghĩa là việc này thôn có "nghị quyết" hẳn hoi, đồng lòng nhất trí "nhốt" 27 hộ nghèo thành một, để giảm số lượng hộ nghèo. Và họ đã làm được điều đó: Xã Thiệu Thành đã đạt được 17/19 tiêu chí NTM, những tiêu chí long lanh rỡ ràng che đậy cái tả tơi rách nát bên trong.
Còn bao nhiêu làng, xã nữa trong cả nước này có "tối kiến" nhẫn tâm như vậy để đạt tiêu chí NTM? Chưa biết. Không ai biết. Nhưng chắc chắn sẽ không chỉ có sáng kiến "sáp nhập hộ nghèo".
Những năm vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đầu tư rất lớn cho các địa phương thực hiện NTM. Nơi này nơi kia đã đạt tiêu chí NTM. Đời sống một bộ phận người dân ở các nơi đạt chuẩn đã khá lên, ít nhất là về hình thức: Đường nhựa, đường bê tông, thôn làng có nhà văn hoá, nhà sạch-ngõ sạch-bếp sạch, có trạm có trường, có điện có nước…
Nhưng, cũng nhiều nơi, để đạt chuẩn/tiêu chí NTM, cấp làng cấp xã đã đặt ra bao nhiêu là khoản thu, mức thu để bắt người dân đóng góp. Diện nghèo cũng không tha. Loạt bài "Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hoá" của báo chí phản ánh từ năm 2016 đã phơi bày sự thật tàn nhẫn này: Dắt bò, thu xe, siết cái giường duy nhất của hộ nghèo để cưỡng bức đóng tiền NTM… Gay gắt đến độ ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chỉ đạo: Không được thu tiền xây dựng NTM của hộ nghèo!
Đằng sau bộ mặt NTM còn là những khoản nợ khổng lồ của các cấp xã, huyện, tỉnh. Thời Nay (ấn phẩm của báo Nhân Dân số ra ngày 20/6/2019) nêu: Đến tháng 12/2018, tổng số nợ đọng xây dựng NTM là 651,8 tỷ đồng, giảm 4.298,6 tỷ đồng so với tháng 1/2018 và giảm khoảng 95,7% so với tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 1/2016. Nhiều hạng mục NTM còn xây chỉ để đạt chuẩn, làm cho có, như nhà văn hoá xây rồi bỏ hoang. Tốn tiền tốn của rồi kệ cho hoang phế. Thật lạ lùng!
Ăn gian làm dối, báo cáo láo, bệnh thành tích không phải là chuyện mới. Đó là căn bệnh nan y, ở nhiều nơi, nhiều cấp. Lần nọ, năm 2005, trong một phiên họp Chính phủ tại TP.HCM, cố Thủ tướng Phan Văn Khải làm cả hội trường cười ồ khi ông phê phán: "Nhà mẹ Thủ tướng ở Củ Chi. Bà già rồi, nuôi mấy con cá cảnh cho vui. Vậy mà ăn trộm cũng nhảy vô nhà bắt trộm về nhậu. Địa phương có người bắt trộm cá nhà Thủ tướng nhậu mà cũng đạt danh hiệu Ấp văn hoá! Văn hoá cái gì kỳ vậy?". Thưa hương hồn cố Thủ tướng, những "ấp văn hoá" như vậy còn nhiều lắm!
Con số tội phạm giảm nhưng nạn trộm cướp vẫn tràn lan; thất nghiệp lúc nào cũng dao động loanh quanh tỉ lệ vàng 5% nhưng cử nhân ra trường chạy xe ôm công nghệ nhan nhản; cử nhân, kỹ sư và cả học vị tiến sĩ bằng cấp leng keng nhưng một chữ tiếng Anh bẻ đôi vẫn cứ ú ớ... Cái gian dối – mặt nào đó, đã mặc nhiên được công nhận.
Tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ Quốc và các đoàn thể ở đâu tại những nơi sáng tác các báo cáo láo, cách làm gian này? Kiểm lại coi, những nơi đó bao nhiêu năm đạt danh hiệu "Hoàn thành nhiệm vụ - Trong sạch vững mạnh"? Còn phong những danh hiệu vẻ vang đó cho những nơi làm gian làm dối là còn là còn có biểu hiện dung dưỡng, chưa thật sự đấu tranh cho sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Còn chưa mạnh tay trị bệnh dối trên lừa dưới, còn dung dưỡng cho tệ nạn này là còn xảy ra những hệ luỵ tệ hại, không chỉ làm cản ngại mà còn kéo lùi sự phát triển. Về mọi mặt, sự gian dối làm mục ruỗng cơ thể đất nước.