Dân Việt

Phê chuẩn Hiệp định EVFTA: Gạo, thịt, đường đứng đầu danh sách "lọt" vào thị trường 500 triệu dân của EU

Anh Thơ 20/05/2020 11:27 GMT+7
Báo cáo về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các ý kiến cho rằng, các mặt hàng nông sản như gạo, đường, thịt lợn,... có thể thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, việc tham gia hiệp định thương mại tự do với EU sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản.

Theo ông Giàu, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, khi EVFTA được phê chuẩn, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường 500 triệu dân và chiếm đến 22% GDP toàn cầu.

"Điều quan trọng là các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU mang tính bổ trợ cho nhau, thay vì cạnh tranh với nhau" - ông Giàu nhấn mạnh.

Phê chuẩn Hiệp định EVFTA: Gạo, thịt, đường đứng đầu danh sách "lọt" vào thị trường 500 triệu dân của EU - Ảnh 1.

Gạo là mặt hàng có cơ hội lớn xuất khẩu sang EU sau khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn.

Trong báo cáo, ông Giàu nêu rõ, khi EVFTA được phê chuẩn, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể tăng 42,7% vào năm 2025, 40,3% vào năm 2030.

"Các mặt hàng nông sản như gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc gia cầm có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU khi EVFTA được phê chuẩn" - ông Giàu nói.

Cũng theo ông Giàu, việc EVFTA được phê chuẩn sẽ giúp nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không bị phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, đồng thời thúc đẩy các đối tác khác tăng cường đầu tư với Việt Nam; thu hút thêm các nhà đầu tư EU trong lĩnh vực chế biến nông sản, chế tạo. 

Đồng quan điểm, trong Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần tận dụng thời điểm này để phê chuẩn EVFTA, tạo cơ hội, động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 

Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các chuỗi cung ứng mới, thay thế các chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đình trệ do tác động của dịch Covid-19, là tiền đề giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm sự lệ thuộc, nhất là với những mặt hàng nông sản chúng ta có thế mạnh" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Từ những cơ hội mà EVFTA mang lại cho nền kinh tế, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kiến nghị Quốc hội phê chuẩn EVFTA ngay tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Riêng với Anh, dù Anh đã rời khỏi EU từ 31/1/2020, trước khi rời chính thức vào ngày 31/12/2020, có thể gia hạn 24 tháng, các đại biểu kiến nghị, các thỏa thuận ký kết trong EVFTA vẫn áp dụng cho Anh, bởi đây là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Ngay sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản được hưởng ngay thuế suất 0%: cà phê, rau quả, hạt tiêu, mật ong tự nhiên… Riêng sản phẩm gỗ, 83% dòng thuế được xóa bỏ ngay và 17% sẽ được xóa bỏ trong 3-7 năm sau như ván dăm, sợi, gỗ dán...