Dân Việt

Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo gì với Quốc hội về hoạt động ngân hàng trong thời gian qua?

Huyền Anh 21/05/2020 07:30 GMT+7
Bản báo cáo dài 26 trang vừa được Thống đốc Lê Minh Hưng gửi đến các đại biểu Quốc hội với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng. Bên cạnh các kết quả đạt được, người đứng đầu ngành Ngân hàng đề cập tới những khó khăn ngành Ngân hàng sẽ phải đối mặt khi các thị trường tài chính và hàng hóa biến động mạnh.

Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho hay, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 1 con số (lạm phát bình quân không vượt quá 4%/năm), nâng cao giá trị đồng bản tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống, ổn định thị trường, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Từ năm 2016 đến nay, cung - cầu ngoại tệ khá thuận lợi, NHNN tranh thủ các giai đoạn thị trường thuận lợi chủ động mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước (DTNHNN), phối hợp đồng bộ các biện pháp, công cụ CSTT, bao gồm cả chủ động truyền thông định hướng thị trường, bán ngoại tệ can thiệp một cách linh hoạt, phù hợp để ổn định thị trường ngoại tệ khi tỷ giá chịu nhiều áp lực; đồng thời, hút tiền về thông qua chào bán tín phiếu NHNN với khối lượng, kỳ hạn và lãi suất phù hợp nhằm duy trì vốn khả dụng ở mức hợp lý, góp phần kiểm soát tiền tệ, không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát; tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) để tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ.

Kết quả là, mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục nhưng mức tăng của tổng phương tiện thanh toán (M2) và lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp: M2 các năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 4 tháng đầu năm 2020 (đến ngày 22/4/2020) tăng lần lượt là 17,65%; 14,91%; 12,21% 14,22% và 1,75% so với cuối năm trước, phù hợp với định hướng đề ra.

Trong khi đó, lạm phát bình quân năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 2,66%; 3,53%; 3,54% và 2,79%, luôn duy trì thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%) và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 7,8%/năm của giai đoạn 2011-2015. Lạm phát cơ bản từ năm 2016 đến nay ổn định ở mức thấp, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Thống đốc Lê Minh Hưng đã báo cáo gì với Quốc hội? - Ảnh 2.

Thống đốc Lê Minh Hưng gửi báo cáo về hoạt động ngân hàng tới Quốc hội

Về điều hành lãi suất, Thống đốc Lê Minh Hưng đề cập, từ năm 2016 đến nay, NHNN điều chỉnh giảm khoảng 1-1,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,5-0,75%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đồng thời kết hợp với điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD, duy trì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở mức phù hợp để tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn với chi phí hợp lý cho các TCTD; chỉ đạo các TCTD cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm 2020, NHNN đã điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh trong nhiều năm qua. Cụ thể: Giảm 0,5-1%/năm các mức lãi suất điều hành để phát tín hiệu mạnh mẽ định hướng điều hành giảm lãi suất, sẵn sàng hỗ trợ khoản cho các TCTD; giảm 0,25-0,3%/năm trần lãi suất huy động và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay nhằm tiếp tục giảm chi phí vốn vay của khách hàng .

Cùng với các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ nền kinh tế, việc giảm mạnh các mức lãi suất điều hành của NHNN góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm, hiện ở mức 5,5%/năm. Đến nay lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức trung bình so với mặt bằng của các nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực.

Về tỷ giá, trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp do tác động của dịch bệnh Covid-19, tâm lý trên thị trường có thời điểm bị tác động tiêu cực. Tuy nhiên, NHNN đã điều hành linh hoạt, điều chỉnh giảm tỷ giá bán can thiệp và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường. Do đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu vẫn khá thuận lợi, thanh khoản thông suốt.

Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo Thống đốc NHNN, các thị trường tài chính và hàng hóa biến động mạnh trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể gây ra những khó khăn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới như: Tâm lý nắm giữ tiền mặt để dự phòng của người dân và doanh nghiệp làm gia tăng áp lực lên điều kiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tạo sức ép đối với thị trường liên ngân hàng; Nhu cầu nằm giữ đồng USD để thanh toán và trú ẩn tăng cao và hiện tượng rút vốn cục bộ có thể gây sức ép lên tỷ giá, lãi suất trong nước tại những thời điểm nhất định; Giá cả hàng hóa thế giới biến động với biên độ lớn, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu bị khan hiếm nguồn cung do thương mại quốc tế đình trệ; nhu cầu hàng hóa nhu yếu phẩm gia tăng và tập trung vào một số thời điểm; các biện pháp nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để hỗ trợ nền kinh tế có thể đi kèm với các rủi ro khó lường trong công tác kiểm soát lạm phát, đặc biệt khi kết thúc dịch bệnh.

Đánh giá về chính sách tín dụng, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, từ năm 2016 đến nay, tín dụng đều có mức tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm và có mức tăng trưởng bình quân năm trên 16%.  Tính đến cuối tháng 3/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 1,3%.

Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên. Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Đơn cử như tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, tín dụng đối với lĩnh vực này những năm gần đây tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng.

Theo đó, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ lĩnh vực bất động sản tại thời điểm 31/12/2017 là 45,63% giảm còn gần 33% vào cuối năm 2019.

Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.

Tín dụng chứng khoán giảm mạnh thời gian qua. Năm 2018, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán  là 14,7%, năm 2019 là 6,79%. Đến cuối tháng 3/2020, lĩnh vực cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 0,92%, chiếm 0,36%.

Tín dụng tiêu dùng cũng không còn tăng trưởng nóng như trước: năm 2016 là 48%, năm 2017 là 36,07%; năm 2018 là 29,59%; năm 2019 là 19,49%. Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 0,26%, chiếm 20,44%.

Trong khi đó, tín dụng với ngành sản xuất tăng, các lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đến thời điểm hiện tại cầu tín dụng đang ở mức thấp, mặc dù các TCTD đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi có quy mô lớn nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay, đánh giá sơ bộ đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 1,8-2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Do đó, để tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19, NHNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính dự kiến bố trí nguồn (theo Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước) nếu thực hiện chính sách khoanh nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn do dịch bệnh.