Theo đó, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng dự án cao tốc Bắc Nam chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công là không phù hợp, một mặt sẽ không thực hiện được chủ trương lớn của Đảng và nhà nước là huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Trước đó, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vì các lý do gồm: Thứ nhất, theo kết quả sơ tuyển, 7/8 dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đã qua vòng sơ tuyển; 1 dự án thành phần (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) không có nhà đầu tư nào qua được vòng sơ tuyển.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu có năng lực thi công tốt nhưng không có thế mạnh về tài chính và khả năng huy động vốn tín dụng. Trong khi đó, việc huy động vốn qua kênh tín dụng trong nước gặp khó khăn do hệ số an toàn (CAR) của các tổ chức tín dụng đã chạm ngưỡng cho phép.
"Do đó, mặc dù đã qua vòng sơ tuyển nhưng có thể sẽ không lựa chọn được nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu do nhà đầu tư không thể huy động được nguồn vốn tín dụng trong thời gian tới", Báo cáo nêu rõ.
Thứ hai, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ dự án PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng GDP, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị trong đề án chủ trương khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.
Đưa ra ý kiến về những kiến nghị của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tán thành với tờ trình của Chính phủ với các lý do: Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hiện 58/60 dự án BOT giao thông có doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%.
Do đó, việc cấp tín dụng cho các dự án BOT tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, dẫn đến việc huy động vốn tín dụng cho các dự án BOT trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn. Việc chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ đẩy nhanh được tiến độ và dự kiến đến năm 2022 các dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ.
Việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, nếu huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ lãi suất sẽ thấp hơn so với nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư cũng làm tổng mức đầu tư giảm 3.020 tỷ đồng (từ 102.513 tỷ đồng xuống còn 99.493).
Trong đó sử dụng 55.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, số còn lại 44.493 tỷ đồng sẽ được bố trí trong giai đoạn 2021 - 2025 theo nguyên tắc tập trung bố trí vốn cho dự án quan trọng quốc gia quy định của Luật Đầu tư công là hoàn toàn khả thi.
Đáng chú ý, dự án đầu tư theo hình thức PPP còn nhiều khó khăn, vướng mắc do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, vẫn còn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng khi chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro, nên khó thu hút được khu vực tư nhân tham gia đầu tư.
Bên cạnh những ý kiến tán thành, vẫn còn một số nội dung chưa được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tán thành như: Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vì chưa báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển đổi hình thức đầu tư.
Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt thì các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP có phương án tài chính khả quan vì thời gian thu phí từ 14,58 năm đến 22,58 năm, thấp hơn so với dự kiến (24 năm) và đã được các nhà đầu tư quan tâm.
Đã có 7/8 dự án có từ 2 nhà đầu tư trở lên qua vòng sơ tuyển, do đó cần tiếp tục thực hiện theo đúng Nghị quyết 52/2017/QH14. Theo báo cáo thì Chính phủ mới phân bổ sử dụng 50.812 tỷ vốn đầu tư công cho các dự án thành phần. Nếu Chính phủ phân bổ hết số vốn còn lại 4.188 tỷ cho các dự án đó thì phương án tài chính còn khả quan hơn nữa.
Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 52/2017/QH14, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đến nay dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ lại trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư toàn bộ dự án sang hình thức đầu tư công là không phù hợp. Ngoài ra, nếu dừng triển khai theo hình thức PPP chuyển sang đầu tư công, một mặt sẽ không thực hiện được chủ trương lớn của Đảng và nhà nước là huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngoài ra, việc liên tục hủy sơ tuyển đối với dự án sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Nhà nước, đến dư luận, tâm lý của nhà đầu tư và nhân dân; thể hiện sự thiếu nhất quán về chủ trương, chính sách trong các quyết định, nhất là trong bối cảnh Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại kỳ họp này.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Trường hợp cần thiết, cân nhắc xem xét lựa chọn một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư, để chuyển sang đầu tư công nhằm vừa đẩy nhanh được tiến độ triển khai các dự án, vừa giảm bớt áp lực về huy động vốn cho các dự án PPP còn lại.
Đồng thời, bảo đảm tuân thủ quy định tại Điều 89 Luật Đầu tư công khi Quốc hội quyết định bố trí vốn bổ sung cho dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 không quá 11.000 tỷ đồng (tương ứng không quá 20% của 55.000 tỷ đồng đã phân bổ cho dự án), giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư đã tham gia sơ tuyển.
Cùng với đó, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, theo hồ sơ dự án, Chính phủ đã đánh giá tác động của việc chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ ảnh hưởng đến doanh thu các dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 1 song hành. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến các dự án liên quan còn phụ thuộc vào phương án thu hồi vốn nhà nước trên các dự án thành phần cụ thể.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động đối với các dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 1, đặc biệt các dự án đã bị sụt giảm doanh thu trong thời gian vừa qua...