Dân Việt

Lai Châu: Kỹ sư xây dựng chăn nuôi gà thả đồi, mỗi tháng bán 2 tấn gà thịt

Thanh Ngân 24/05/2020 13:05 GMT+7
Sau khi nghỉ việc ở cơ quan nhà nước, một kỹ sư xây dựng ở tỉnh Lai Châu đã quyết định về quê, làm chuồng trại chăn nuôi gà thả đồi. Bình quân mỗi tháng anh này xuất bán ra thị trường khoảng 2 tấn gà thịt thương phẩm thu về hơn 200 triệu đồng.

Chàng kỹ sư xây dựng đó là anh Lê Minh Thuần, ở bản Cẩm Trung 1 (xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu). Tuy mới "bén duyên" với nghề chăn nuôi gà thả đồi, nhưng anh Thuần tỏ ra khá "mát tay" với đàn vật nuôi này. 

Đàn gà thả đồi nhà anh, lứa nào, lứa ấy cũng sinh trưởng, phát triển tốt, sau gần 5 tháng nuôi đã có thể xuất bán ra thị trường.

Nuôi gà thả đồi, kỹ sư xây dựng thu tiền đều tay - Ảnh 1.

Anh Lê Minh Thuần chăn nuôi gà thả đồi từ năm 2019. Kỹ thuật nuôi gà của anh Thuần ngày càng nâng cao.

Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Thuần vào một ngày trung tuần tháng 5, trời nắng gay gắt. Khi chúng tôi đến, anh Thuần đang hí húi bắt gà cho khách. Sau khi giao gà cho khách hàng xong, anh Thuần quay sang tiếp chuyện chúng tôi.

"Thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, việc tiêu thụ gà thương phẩm của gia đình bị chững lại. Cũng may thời gian giãn cách xã hội không kéo dài, chứ không tôi chỉ còn nước bỏ xứ mà đi. Cả tỷ bạc "rót" vào trang trại gà này đấy chứ có ít đâu. Giờ thì tốt rồi, vấn đề xuất bán gà thịt ra thị trường của gia đình đã trở lại bình thường" – anh Thuần chia sẻ.

Nuôi gà thả đồi, kỹ sư xây dựng thu tiền đều tay - Ảnh 2.

Anh Thuần thường xuyên phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi gà.

Qua câu chuyện với anh Thuần, phóng viên Dân Việt được biết: Năm 2011, anh Thuần tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng trường Đại học Đại Nam (Hà Nội). Cầm tấm bằng kỹ sư xây dựng trong tay, anh xin vào làm việc ở Ban Quản lý dự án huyện Than Uyên (Lai Châu). 

Sau hơn 6 năm làm việc đúng chuyên ngành mình đã học, năm 2017, anh Thuần nghỉ việc ở Ban Quản lý dự án huyện Than Uyên. Sau khi nghỉ việc, anh Thuần chuyển hướng sang làm nông nghiệp. Qua một thời gian tìm hiểu thông tin trên mạng internet, tham khảo kỹ thuật nuôi gà, nhận thấy mô hình nuôi gà thả đồi khá phù hợp với địa hình đồi núi quê mình, anh Thuần đã quyết định "thử sức" với đàn vật nuôi này.

Trình bày ý tưởng chăn nuôi gà thả đồi với gia đình và được gia đình ủng hộ, anh Thuần mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lai Châu và vay thêm anh em, bạn bè để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà. 

Trước đó, anh Thuần đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Mường Than, do anh làm giám đốc. Trên mảnh đồi rộng gần 2ha của gia đình, anh Thuần phân chia và xây dựng thành nhiều trại nuôi tách biệt, trại nào cũng có không gian rộng rãi, được quây lưới sắt để cho gà "thoải mái" đi lại.

Nuôi gà thả đồi, kỹ sư xây dựng thu tiền đều tay - Ảnh 3.

Theo anh Thuần, ngày nào cũng có khách đến tận trại gà của nhà anh để mua gà thịt.

Đầu năm 2019, anh Thuần bắt đầu mua gà giống về nuôi. Hệ thống chuồng trại nuôi gà khép kín của anh Thuần có quy mô lên đến hơn 1 vạn con/năm. Để lúc nào cũng có gà thịt bán ra thị trường, anh Thuần không lấy con giống đồng loạt mà chia thành nhiều lứa. Lứa gà sau cách lứa gà trước khoảng 1 tháng, mỗi lứa từ 1500 – 2000 con giống.

Chia sẻ với Dân Việt về kỹ thuật nuôi gà thả đồi, anh Thuần cho biết: "Nuôi gà thả đồi đòi hỏi khu vực chăn nuôi phải rộng rãi, thoáng mát. Vì nuôi với quy mô lớn nên việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gà phải được đặt lên hàng đầu...".

"Ngoài tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn gà theo từng độ tuổi, tôi còn thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, vệ sinh khu vực thả gà mỗi ngày. Không cho người lạ hay con vật lạ vào khu vực nuôi thả gà", anh Thuần bổ sung thêm về kỹ thuật nuôi gà.

Nuôi gà thả đồi, kỹ sư xây dựng thu tiền đều tay - Ảnh 4.

Anh Thuần chủ yếu nuôi 2 giống gà, đó là: Gà ri Lạc Thủy (Hòa Bình) và gà mía ở Sơn Tây (Hà Nội).

Để cho chắc ăn, anh Thuần thuê một kỹ sư chăn nuôi thú y phụ trách theo dõi, chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gà, đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật nuôi gà.

"Gà do gia đình tôi nuôi là gà sạch, vì tôi không cho chúng ăn cám công nghiệp mà cho gà ăn hoàn toàn cám gạo, thóc và ngô. Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng gà thịt, tôi còn mua cá con ở các vùng lòng hồ thủy điện về cho chúng ăn. Nhờ đó, chất lượng gà thịt luôn đảm bảo, thịt gà săn chắc, ăn ngon, bán được giá cao hơn so với giá thị trường" – anh Thuần cho hay.

Cũng theo anh Thuần, sau gần 5 tháng nuôi là anh đã có gà thương phẩm bán ra thị trường. Anh Thuần không bán buôn mà chủ yếu là bán lẻ cho khách, với giá dao động từ 105.000 đồng -110.000 đồng/kg. Bình quân mỗi tháng anh Thuần bán ra thị trường khoảng 2 tấn gà thịt, thu về hơn 200 triệu đồng.

"Trừ tất tần tật các khoản chi phí, từ con giống, thức ăn, tiền nhân công... đến lãi ngân hàng, mỗi tấn gà thương phẩm bán ra thị trường, tôi lãi khoảng 15 triệu đồng. Như vậy, đều đặn mỗi tháng, tôi "bỏ túi" trên dưới 30 triệu đồng từ chăn nuôi gà thả đồi" – anh Thuần thông tin thêm.