Hành trình gian nan
Những ngày này, điện thoại của các cán bộ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) liên tục nhận được các cuộc gọi từ phía doanh nghiệp về thông tin xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng muốn nhập khẩu loại quả tiến vua đặc sắc của Việt Nam.
Trước đó, để có được cái gật đầu đồng ý của phía Nhật Bản, phía Việt Nam đã phải trải qua một hành trình chuẩn bị khá dài. Từ tháng 2/2017, hai bên thống nhất sẽ bắt đầu đàm phán xuất khẩu vải từ Việt Nam sang Nhật Bản.
Giai đoạn 2017 - 2018 là giai đoạn tính toán lý thuyết, xây dựng phương pháp và cách bố trí thí nghiệm, chuẩn bị vật liệu và thiết bị phục vụ thí nghiệm. Đến tháng 8/2018 thì hoàn thành xử lý số liệu và báo cáo thí nghiệm.
Tháng 12/2018, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) cử chuyên gia đến Việt Nam để thực hiện chất vấn kỹ thuật về quá trình thực hiện và kết quả thử nghiệm của Cục Bảo vệ thực vật.
Tiếp đó, tháng 5-6/2019 MAFF cử chuyên gia đến Việt Nam giám sát quá trình thí nghiệm lần 2, đồng thời thảo luận các điều kiện nhập khẩu. Tháng 12/2019, phía Nhật chính thức công bố điều kiện nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam.
"Ngay sau khi phía Nhật Bản đồng ý, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với Hải Dương và Bắc Giang về việc triển khai chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải đi Nhật trong mùa vải 2020, đồng thời kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào chương trình; hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp về quy trình trồng, chăm sóc, xử lý kiểm dịch thực vật và đóng gói theo quy định của Nhật Bản" - ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết.
Để đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của phía Nhật Bản, từ tháng 2/2020, Việt Nam bắt đầu xây dựng cùng lúc 3 hệ thống xử lý xông hơi khử trùng quy mô thương mại đầu tiên tại Việt Nam tại Trung tâm sau nhập khẩu 1 (Hà Nội); tại nhà máy của Công ty Toàn Cầu (Bắc Giang) và tại nhà máy của Công ty Hưng Việt (Hải Dương).
Trong bối cảnh của dịch Covid-19, ngày 13/3/2020, phía Nhật Bản thông báo việc ủy quyền kiểm tra và đăng ký các hệ thống xử lý vải cho Cục Bảo vệ thực vật, mà không cần sự có mặt của chuyên gia Nhật Bản.
Cũng theo ông Hiếu, qua khảo sát của các doanh nghiệp, thị trường Nhật Bản cũng rất hứng thú với trái vải thiều Việt Nam, trong điều kiện xuất khẩu bình thường, không bị tác động bởi dịch Covid-19 thì sản lượng xuất khẩu có thể đạt 300 tấn.
Hy vọng sớm có lô vải thiều sang Nhật
Theo ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đến nay Bắc Giang đã sẵn sàng các điều kiện để xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản. Có 3 đơn vị gồm các công ty: Ameii, Chánh Thu, Toàn Cầu tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
"Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo duy trì 149 mã số vùng trồng vải tại 4 huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn) với diện tích hơn 15.800ha, sản lượng ước đạt 94.400 tấn (chiếm gần 60% tổng lượng sản lượng vải) để phục vụ xuất khẩu tới những thị trường khó tính" - ông Thái nói.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103ha.
Anh Trịnh Đình Hãnh (ở thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) có vườn vải hơn 1ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản. Hiện, vải đã sắp được thu hoạch với chất lượng tốt nhờ được chăm sóc theo quy trình GlobalGAP.
"Các doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 30.000 đồng/kg nên dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì chúng tôi vẫn rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Vải thiều Lục Ngạn tự tin chinh phục những thị trường khó tính" - anh Hãnh nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, hiện Bộ NNPTNT Việt Nam, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản và Đại sứ quán hai nước đã và đang có sự phối hợp rất chặt chẽ để chuẩn bị mọi điều kiện để đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản.
Tại 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, các vườn vải trồng để xuất khẩu sang Nhật đã được quy hoạch vùng sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản và dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật.