Ông nhận định về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng? Hiện tại, các doanh nghiệp dệt may cần quan tâm nhất tới điều gì để có thể phục hồi trong thời gian tới?
Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 được đánh giá là chưa từng có, hoàn toàn không dự đoán trước được và thế giới chưa có kinh nghiệm nào trong việc xử lý. Hiện tại, số ca nhiễm bệnh vẫn tăng chóng mặt và loài người chưa tìm được vacxin để phòng ngừa. Do đó, những dự báo và tín hiệu về sự chấm dứt của dịch bệnh cũng như cuộc khủng hoảng nó gây ra vẫn khá mờ mịt.
Sau khủng hoảng, có khả năng mọi hoạt động sẽ quay trở lại trạng thái bình thường, nhưng cũng có thể nó sẽ biến đổi thành những sự "bình thường mới". Cụ thể, khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, tâm lý và hành vi tiêu dùng được điều chỉnh và thay đổi trong một thời gian dài.
Đặc biệt, đối với các mặt hàng tiêu dùng, người ta dần thích nghi và làm quen với những cách chi tiêu trong thời đại dịch. Điều này chưa thể kiểm chứng và xác định rõ ràng. Vì vậy, những ảnh hưởng của nó đối với tổng cầu trong tương lai vẫn là điều các doanh nghiệp cần quan tâm. Đối với ngành dệt may cũng như Vinatex cần hướng tới việc đánh giá nhằm dự báo hành vi của người tiêu dùng sau khi trải qua thời gian dịch bệnh.
Cụ thể, đối với hàng hoá dệt may chưa nằm ở mức thiết yếu cao như thực phẩm, thuốc men, các thiết bị bảo vệ con người… nhưng cũng thuộc nhóm các sản phẩm có nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy, sau khi đại dịch Covid-19 đi qua cũng sẽ là một trong các nhóm hàng hoá có thể phục hồi sớm.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid - 19, khách hàng đang gặp khó khăn về việc làm, kể cả khi còn đang được nhận trợ cấp xã hội. Chính vì vậy, nhu cầu trang phục với họ là tối thiểu, hàng basic như quần áo denim, áo dệt kim, áo jacket 2-3 lớp thay cho suite, sơ mi, quần âu.
Các mặt hàng cơ bản, giá rẻ sẽ phục hồi trước và chiếm tỷ lệ bán chính trong quý 3, quý 4/2020. Khả năng phục hồi các mặt hàng cao cấp phụ thuộc vào tiến trình tạo việc làm mới tại EU và Mỹ, nếu phục hồi tốt có thể hy vọng sự phục hồi mặt hàng cấp trung trở lên vào lễ Giáng sinh 2020.
Bên cạnh đó, qua thời gian cách ly, con người có dịp xem xét lại toàn bộ quá trình sống, chi tiêu, sử dụng các sản phẩm,… và không ít người trong số đó sẽ phát hiện ra dường như mình tiêu dùng quá "lãng phí".
Đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến hiệu chỉnh nhu cầu sau dịch. Nếu điều này diễn ra trên diện rộng thì tổng cầu thế giới sẽ không tăng so với 2019 trong 3 - 4 năm tới vì nhận thức và hành động mang tính tiết kiệm của người tiêu dùng. Dự báo ảnh hưởng này sẽ dẫn tới nhu cầu 2020 giảm khoảng 20%, năm 2021 vẫn thấp hơn giao dịch của năm 2019 10% và đến năm 2022 cầu mới tương ứng mức giao dịch năm 2019.
Từ nhận định trên, Tập đoàn Vinatex đã định hướng, chiến lược cụ thể như thế nào và kết quả bước đầu sau 4 tháng ra sao?
Nhằm bảo đảm quyền lợi và giữ chân người lao động ở lại với doanh nghiệp, Tập đoàn Vinatex và các đơn vị thành viên đã vận dụng sự sáng tạo và nỗ lực vượt bậc để triển khai sản xuất mọi mặt hàng có thể làm được trên cơ sở trang thiết bị, công nghệ hiện có.
Việc này đang gặp phải rất nhiều khó khăn, đòi hỏi khả năng sáng tạo và ứng biến, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp thu được rất thấp so với mặt hàng truyền thống. Ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là đủ chi phí trả lương trên mức tối thiểu cho toàn bộ người lao động.
Ngoài ra, Tập đoàn Vinatex đã chủ động là đầu mối tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng mới như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế… với tất cả các doanh nghiệp của mình, và đi đầu trong việc đưa những mặt hàng này ra thị trường nội địa và thế giới.
Tính tới đầu tháng 5, Tập đoàn đã sản xuất hơn 100 triệu sản phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu trên 50 triệu chiếc cho các thị trường nước ngoài. Bằng việc tận dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật và lao động hiện có để lấn sân sang sản xuất các mặt hàng bảo hộ cá nhân PPE giàu tiềm năng, Tập đoàn Vinatex đã giải quyết được khoảng 20% nhu cầu công việc cho người lao động.
Do tình hình thiếu hụt đơn hàng và những diễn biến bất thường của dịch bệnh, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức kế hoạch sản xuất một cách linh hoạt, có thể bố trí người lao động làm 3 ca khi có nhu cầu và nghỉ bù khi thiếu đơn hàng. Tổ chức sản xuất 40h/tuần thay vì 54h/tuần như trước, kêu gọi người lao động thấu hiểu và chia sẻ khối lượng công việc để đảm bảo 100% người lao động có việc làm mặc dù thu nhập có thể thấp hơn so với trước đây.
Bằng những hành động cụ thể nêu trên, toàn Tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Thứ nhất, tuy kim ngạch xuất khẩu quý I/2020 giảm xấp xỉ 2%, tính đến hết tháng 4 đã giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên so với mức giảm 12-15% của các quốc gia khác trên thế giới thì đây vẫn là tín hiệu khả quan.
Thứ hai, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu 4 tháng đầu năm giảm hơn 7,6% cho thấy các nỗ lực tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, nhất là cho mặt hàng khẩu trang, quần áo y tế… đã mang lại kết quả tích cực, bù đắp được 1 phần thiệt hại do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cái nhìn toàn cảnh, mức độ suy giảm của ngành Dệt May Việt Nam chỉ xấp xỉ bằng 50% so với các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh…
Thứ ba, tính đến hết tháng 4, Vinatex chưa áp dụng biện pháp cho người lao động nghỉ việc để hưởng trợ cấp 1,8 triệu của Chính phủ tại bất cứ đơn vị thành viên nào. Dự báo ban đầu cho rằng đến hết tháng 4 - 5/2020, số lượng lao động thiếu việc làm có thể lên tới 40.000 người (trong đó khoảng 30% là NLĐ của Vinatex), nhưng trong tình hình hiện tại, con số này có thể giảm được một nửa nhờ những nỗ lực xoay xở của ngành.
Ông đánh giá về các chính sách hỗ trợ đã có trong thời điểm hiện tại, cũng như có tiếp tục kiến nghị các chính sách mới cho doanh nghiệp trong thời gian tới?
Hệ thống chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt phải kể đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Riêng đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ và đồng hành của hệ thống Ngân hàng Vietcombank đã có các hành động thiết thực và kịp thời. Cụ thể, giảm lãi suất trực tiếp 10% cho tất cả các khoản vay, tiến hành khảo sát và đánh giá từng doanh nghiệp về vị trí, tính chất và khả năng phục hồi của họ trong chuỗi cung ứng để sắp xếp mức độ ưu tiên hỗ trợ.
Trong tình hình hiện nay, Tập đoàn Dệt May Việt Nam tiếp tục đề xuất, kiến nghị các biện pháp như: Phương pháp hỗ trợ của các cấp nên nhanh và gọn, rút bớt các bước xét duyệt thủ công, căn cứ nhiều hơn vào cơ sở dữ liệu tin cậy đang có.
Đề xuất cho miễn BHXH và Công đoàn phí từ tháng 5 đến hết tháng 12/2020, vì đây là khoản chi phí rất lớn đối với các doanh nghiệp trong thời điểm căng thẳng hiện tại.
Phương pháp đánh giá của ngân hàng với doanh nghiệp lúc này cũng cần hết sức linh hoạt. Cho giãn các khoản nợ đầu tư đến hạn trả gốc là yêu cầu rất cấp thiết đối với doanh nghiệp. Các dự án dở dang, các tham số của dự án có thay đổi xấu đi do dịch bệnh nhưng cần duy trì giải ngân đúng tiến độ.
Với Hiệp định EVFTA, đề nghị các Bộ, ngành chuẩn bị các hướng dẫn và thông tư nhanh nhất để khi Hiệp định được Quốc hội phê duyệt thì có thể triển khai được ngay, doanh nghiệp mới thu được lợi ích vàng.
Xin cảm ơn ông!