Dân Việt

Xuất hiện tin đồn “Vua cá tra” sắp bị hủy niêm yết, chờ "cú hích" từ Thaco?

Quốc Hải 23/05/2020 13:50 GMT+7
Cổ phiếu HVG (Công ty CP Hùng Vương; HoSE: HVG) của “vua cá tra” Dương Ngọc Minh bị HoSE đưa vào diện tạm ngừng giao dịch, kể từ ngày 15/5 với lý do doanh nghiệp này tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt…

Mới nhất, trên thị trường còn xuất hiện tin đồn về việc HVG sắp bị hủy niêm yết bắt buộc, thực tế ra sao?

Ngưng giao dịch từ 15/5, xuất hiện tin đồn “Vua cá tra” sắp bị hủy niêm yết - Ảnh 1.

Sau cái bắt tay với tỷ phú Trần Bá Dương, HVG của ông Dương Ngọc Minh (trái) kỳ vọng sẽ có những thay đổi tích cực (Ảnh: IT)

Liên tục vi phạm về công bố thông tin

Trước đó, vào ngày 21/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có công văn nhắc nhở Công ty CP Hùng Vương về việc chậm công bố báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất quý I năm 2020. Sở tiếp tục nhắc lần thứ 2 vào ngày 6/5, đề nghị công ty khẩn trương công bố thông tin nhằm đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư.

Đến ngày 18/5, HoSE tiếp tục có công văn nhắc nhở lần 3 về việc HVG chậm công bố báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất quý 1 năm 2020.

Đến thời điểm hiện tại, HVG vẫn chưa công bố báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất quý 1 năm 2020 (Kể từ năm nay, HVG này sẽ áp dụng niên độ tài chính từ 1/1-31/12/2020). Việc chậm công bố báo cáo tài chính của HVG diễn ra trong bối cảnh "vua cá tra" gần đây có nhiều biến động, với sự xuất hiện của nhóm cổ đông lớn là Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) với tỷ lệ nắm giữ tại HVG đã được nâng lên 35,01%.

Ngưng giao dịch từ 15/5, xuất hiện tin đồn “Vua cá tra” sắp bị hủy niêm yết - Ảnh 2.

Cơ cấu cổ đông HVG thời điểm hiện tại (Nguồn: HVG)

Cụ thể, Thaco nắm 26,26% cổ phần tại HVG, Sản xuất và Thương mại Trân Oanh - một doanh nghiệp của gia đình ông Trần Bá Dương nắm 3,79% vốn của HVG và ông Trần Bá Dương nắm giữ 4,96% vốn.

Hiện tại, cổ phiếu HVG đã bị ngưng giao dịch từ ngày 15/5; đồng thời cổ phiếu HVG cũng bị đưa vào diện kiểm soát từ năm 2018 do hai năm liên trước liên tục kinh doanh thua lỗ. Cùng đó, công ty đã nhận ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục và vi phạm quy định công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Sau 1 tuần bị ngưng  giao dịch, trên thị trường xuất hiện nhiều đồn đoán về việc cổ phiếu HVG sẽ bị hủy niêm yết. Phía HVG chưa lên tiếng gì về việc này. Tuy nhiên, trong nhóm ngành thủy sản không phải chưa từng có DN hủy niêm yết trên HoSE, chẳng hạn như "vua tôm" Minh Phú (MPC) cách đây vài năm cũng tự xin hủy niêm yết để tái cấu trúc; hoặc mới đây, AGF (Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang) cũng bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE sau 18 năm niêm yết vì vi phạm chậm nộp BCTC trong 3 năm liên tiếp…

Liên quan đến những đồn đoán về việc HVG bị hủy niêm yết, ông Trần Bá Duy, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS, cho rằng, có hai trường hợp: Hủy niêm yết bắt buộc là trường hợp công ty niêm yết không còn đáp ứng được các quy định như ngừng hoặc bị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ một năm trở lên; sản xuất kinh doanh bị lỗ 3 năm liên tiếp và tổng số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu trong BCTC tại thời điểm gần nhất; và một số quy định khác. Trường hợp hủy niêm yết tự nguyện là khi tổ chức niêm yết đề nghị hủy bỏ niêm yết và có nghị quyết đại hội cổ đông đồng ý.

"Khó có chuyện HVG bị hủy niêm yết vì về phía nhà đầu tư chiến lược của HVG là Thaco sẽ không để DN đi đến bước này…", ông Duy bình luận.

Trong khi đó, BCTC cho kỳ kế toán 1/10/2019-31/12/2019, Hùng Vương ghi nhận doanh thu giảm phân nửa còn 729 tỷ đồng. Kéo theo đó công ty lỗ gần 254 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 18 tỷ cùng kỳ; nâng tổng lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2019 của HVG lên 1.743 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của HVG hiện cũng chỉ còn chưa đến 660 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả hơn 7.100 tỷ đồng.

Chờ những thay đổi từ cái bắt tay với Thaco

Giới đầu tư hiện đang rất trông chờ vào việc HVG công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020 để phần nào thấy được những thay đổi tích cực từ "vua cá tra" sau cái bắt tay với Thaco hồi đầu tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, hiện HVG vẫn chưa công bố bất cứ thông tin gì ngoài những thông tin được xem là "điểm sáng" ở mảng chăn nuôi heo.

Cụ thể, mới đây nhất, HVG thông báo sẽ góp 25% vốn và Công ty sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi. Thadi sẽ góp 75% vốn còn lại để thành lập Công ty TNHH Sản xuất Heo giống và Thức ăn chăn nuôi Việt Đan với vốn điều lệ là 556 tỷ đồng. Công ty dự đặt trụ sở tại Khu công nghiệp Nhựt Chánh, tỉnh Long An.

Trước đó, theo nội dung hợp tác giữa HVG và Thadi, Thadi sẽ sở hữu 35% vốn Hùng Vương và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương – Thadi, nhằm phát triển mảng sản xuất heo giống (sẽ sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng). Thadi và Hùng Vương sau đó đã quyết định thành lập 2 đơn vị liên doanh là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giống - Chăn nuôi Tịnh Biên An Giang (vốn 160 tỷ đồng tại tỉnh An Giang) và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Giống - Chăn nuôi Việt Thắng Phù Cát (vốn 320 tỷ đồng tại tỉnh Bình Định).

Trong một động thái mới nhất, Thadi cũng hoàn tất bán ra 53,9 triệu cổ phiếu HVG bằng hình thức thỏa thuận, không còn nắm cổ phần tại HVG. Mặc dù, không còn nắm giữ cổ phần tại HVG, tuy nhiên, một trong những nội dung HVG trình tại Đại hội năm nay là cho phép Thadi và bên liên quan được nâng tỷ lệ sở hữu lên 25% vốn mà không cần chào mua công khai.

Ngoài ra, năm 2020, HVG tiếp tục sẽ phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn, đối tượng chào bán dự kiến là Thaco cùng các bên liên quan.

Có lẽ, còn rất sớm để HVG có thể có những chuyển biến tốt hơn sau cái bắt tay với Thaco…

Trước đó, ngày 7/5, Công ty CP Hùng Vương đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đề nghị gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính (BCTC) riêng và hợp nhất các quý 2, 3, 4, báo cáo soát xét bán niên và BCTC năm 2020. Trả lời đề nghị này, UBCKNN ngày 14/5 đã có công văn phúc đáp cho phép HVG được gia hạn thời gian công bố các báo cáo này.

Cụ thể, lộ trình công bố được ấn định như sau: HVG phải công bố BCTC các quý 2, 3, 4 và BCTC soát xét quý (nếu có) trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, nhưng không quá 5 ngày kể từ khi tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét BCTC; Phải công bố BCTC bán niên đã được soát xét trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính, nhưng không quá 5 ngày kể từ khi tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét BCTC; Phải công bố BCTC năm đã được kiểm toán trong thời hạn 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, nhưng không quá 10 ngày kể từ khi tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán BCTC.