Sau khi ông Cao Văn Liết - Tổng Giám đốc VSTV giải thích vụ góp vốn với Canal+ International Development (Pháp), báo điện tử Dân Việt đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận...
1. Hợp đồng liên doanh của VCTV (Truyền hình cáp Việt Nam thuộc Đài Truyền hình VN) và Công ty Canal+ đã hình thành nên một chủ thể mới là VSTV. Đồng thời, với Hợp đồng liên doanh này, chủ thể (Bên) cung ứng dịch vụ DTH cho khách hàng đã thay đổi từ VCTV sang VSTV. Do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 522 Bộ luật Dân sự năm 2005 về nghĩa vụ của Bên cung ứng dịch vụ: "Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc, nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ", VCTV phải có nghĩa vụ thông báo và được sự đồng ý của khách hàng, nếu trong Hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa VCTV và khách hàng không có thỏa thuận cho phép VTCV đơn phương thực hiện việc này.
Nếu trong Hợp đồng cung ứng dịch vụ không có thỏa thuận cho phép VCTV được đơn phương thực hiện và thông báo việc thay đổi Bên cung ứng dịch vụ như VCTV đã làm, thì VCTV đã vi phạm thỏa thuận với khách hàng và quy định của pháp luật về Hợp đồng cung ứng dịch vụ.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các khách hàng không đồng ý với việc thay đổi Bên cung ứng dịch vụ của VCTV có quyền yêu cầu VCTV thực hiện đúng thỏa thuận, tức là VCTV phải tiếp tục cung cấp dịch vụ DTH cho họ; đình chỉ hoặc tạm ngừng thực hiện hợp đồng cung ứng dịch vụ với VCTV. Nếu VCTV không đồng ý với các yêu cầu của khách hàng thì họ có quyền khởi kiện VCTV theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Văn phòng luật sư Hồng Bách)
|
Có K+, khán giả ít được xem các trận Super Sunday. |
2. Theo tôi, điều khách hàng quan tâm là việc VCTV đơn phương cắt các trận đấu Ngoại hạng Anh ngày Chủ nhật (Super Sunday) và một số giải bóng đá khác. Việc này rõ ràng VCTV sai khi không thông báo cho khách hàng về nguyên nhân và xin lỗi khách hàng về không đảm bảo gói cuớc đã ký trước đây. Khách hàng hoàn toàn có thể kiện VCTV vi phạm hợp đồng. Mặt khác, khi đơn phương cắt chương trình, VCTV phải tự thấy trách nhiệm của mình để giảm tiền cước hàng tháng. Hiện khách hàng chưa kiện VCTV vì vẫn hy vọng VCTV sẽ thương thảo để trả lại cho người xem quyền được xem Super Sunday. Nếu sau này VCTV có ý định tăng cước hàng tháng, tôi tin rằng phản ứng của khách hàng sẽ quyết liệt hơn K+ bây giờ.
(Độc giả có e-mail: doanlankhanh@gmail.com)
3.Từ khi VCTV cắt mất các trận Super Sunday, tôi cảm thấy rất buồn. Thời gian qua, Hội CĐV M.U chỉ có thể tổ chức đi xem những trận đấu sớm của M.U tại quán cafe quen ở phố Hồ Đắc Di. Còn những trận muộn thì đành chịu nằm nhà mà tiếc. Tôi không quan tâm chuyện K+ phải bỏ ra bao nhiêu phí đầu tư cơ sở hạ tầng, mua bản quyền nhưng việc đưa ra cước thuê bao 250 nghìn đồng/tháng là quá đắt so với thu nhập của những sinh viên mới ra trường, đang vất vả ổn định công việc như tôi. Càng khó chấp nhận hơn khi chính VCTV là đơn vị góp vốn liên doanh với Canal+ để K+ ra đời.
Lê Thanh Hoa- (Hội CĐV M.U tại Hà Nội)
4. K+ chỉ được độc quyền những gì mình có thể làm được. Còn các loại cơ sở hạ tầng khác: Truyền hình số mặt đất, truyền hình analog, truyền hình di động, truyền hình qua IPTV... bao giờ VSTV mới triển khai được? Đây chính là dùng độc quyền để bắt chẹt các phương tiện truyền dẫn mà mình không có. Như vậy, thông qua việc liên kết tạo ra VSTV, VCTV đã lấy tiền đóng thuế của người dân để quay lại "bóp cổ" người dân, đem lãi nộp cho công ty nước ngoài.
Bình Nguyễn (độc giả)
Ông Nguyễn Trọng Hỷ - Chủ tịch VFF: Cần đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu
Không hy vọng được xem truyền hình miễn phí như trước đây, nhưng giá cả cũng phải hợp lý. Theo tôi, trước khi làm việc gì, các đài truyền hình trả tiền cũng phải làm đúng luật, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, thay vì đặt lợi ích kinh tế lên trên tất cả. Nếu VCTV làm sai luật thì đó là điều rất đáng buồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.