Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ được thực hiện bởi Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) cấp nông hộ. Giải pháp này được cho là hoàn hảo cho chăn nuôi quy mô nông hộ ở Việt Nam.
Dự án LIFSAP được thực hiện trên địa bàn 12 tỉnh gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Lâm Đồng. Trong năm đầu tiên, dự án sẽ được triển khai thử nghiệm trên địa bàn 4 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Sau khi tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm sẽ mở rộng ra các tỉnh còn lại.
Tổng vốn dự kiến của dự án: 79,03 triệu USD. Trong đó: Vốn ODA 1.109,9 tỷ VNĐ, tương đương 65,26 triệu USD. Vốn đối ứng: 57,8 tỷ VNĐ, tương đương 3,4 triệu USD. Vốn khác: 176,29 tỷ VNĐ, tương đương 10,37 triệu USD từ nguồn vốn của tư nhân. Chủ dự án là Ban Quản lý các dự án nông nghiệp.
Tính đến tháng 12/2017, sau 6 năm thực hiện, Dự án LIFSAP Hà Nội đã xây dựng được 4 vùng là 4 huyện thực hiện áp dụng chăn nuôi Viet GAHP gồm: Chương Mỹ, Thanh Oai, Quốc Oai và Thường Tín, hình thành được 70 nhóm liên kết hợp tác sản xuất chăn nuôi (gọi tắt là nhóm GAHP) với gần 1.400 hộ tham gia.
Mời bạn đọc chiêm ngưỡng "pháo đài" nuôi lợn VietGAHP trong dự án "triệu đô" may mắn thoát "án tử" dịch tả lợn châu Phi ở Hà Nội.
Nhiều người đặt câu hỏi, một dự án với gần 80 triệu USD, tương đương hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư để nâng cao khả năng cạnh tranh cho chăn nuôi nông hộ và an toàn thực phẩm không biết đầu tư vào những hạng mục gì, mà chuồng trại chăn nuôi lợn của những người tham gia dự án vô cùng xập xệ, không có gì đảm bảo an toàn thực phẩm cả.
PV Dân Việt đã liên hệ với ông Tôn Thất Sơn Phong- Trưởng Ban Quản lý dự án Lifsap (Phó Trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp) để làm rõ sự thực trên, được ông Phong cho biết, đã nắm được thông tin qua Báo Dân Việt phản ánh, nhưng do đang bận đi công tác và sẽ có trao đổi sau với PV.
*Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.