Luật Chăn nuôi ra đời đã mở ra không gian thông thoáng hơn để chăn nuôi tiến tới một ngành kinh tế kỹ thuật. Để luật sớm đi vào thực tiễn, Bộ NNPTNT khẳng định cần có sự tâm huyết và tận tường từ các địa phương, doanh nghiệp, nông dân...
Cởi mở chứ không cởi bỏ
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) - ông Nguyễn Xuân Dương đánh giá, chăn nuôi hiện cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về thịt, trứng nhưng vẫn chưa xuất khẩu được nhiều.
Trong lộ trình hội nhập, cơ hội và áp lực sẽ song hành nhưng áp lực nhiều hơn. Luật Chăn nuôi ra đời cùng 1 nghị định và 4 thông tư hướng dẫn là điều kiện căn bản để hướng tới một ngành kinh tế kỹ thuật đủ sức cạnh tranh.
"Luật Chăn nuôi ra đời muộn nhưng chặt chẽ, có chất lượng. Tinh thần của luật là phân hóa cao, tính xã hội và quốc tế hóa triệt để, với cách tiếp cận theo hướng chăn nuôi có điều kiện và đưa chăn nuôi thành ngành kinh tế kỹ thuật".
Ông Phùng Đức Tiến -
Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Thức ăn chăn nuôi (TACN) được quy định trong luật là lĩnh vực có nhiều điểm mới so với trước. Nhóm thức ăn thương mại, nội bộ và truyền thống có mức độ quản lý khác nhau nhưng theo hướng cởi mở hơn, tạo điều kiện nhiều hơn cho người chăn nuôi và người làm TACN.
Thức ăn đậm đặc và hỗn hợp (hiện chiếm 90% khối lượng TACN) sẽ do doanh nghiệp tự công bố chất lượng, cập nhật lên cổng thông tin điện tử của Bộ NNPTNT, sau đó tự sản xuất. Tức là doanh nghiệp áp dụng công nghệ tin học tự làm mọi việc nhằm hạn chế các thủ tục hành chính.
Trước đây, các điều kiện liên quan sản xuất TACN như vị trí, nhà xưởng, cán bộ kỹ thuật... được áp dụng theo quy chuẩn, nay giảm đi theo hướng đánh giá. Cục Chăn nuôi chỉ đánh giá cơ sở sản xuất với thức ăn bổ sung. Các nhóm TACN còn lại giao cho tỉnh, gồm sở nông nghiệp và các chi cục làm. Điều này thể hiện tính phân cấp và xã hội hóa tối đa trong luật.
Nhóm TACN bổ sung được Cục Chăn nuôi trực tiếp quản lý vì dù chiếm 5% nhưng lại thuộc nhóm có nguy cơ cao, liên quan đến nhiều chất cấm.
Trong luật, thức ăn truyền thống và nội bộ được quản lý ở mức độ thấp hơn nhưng không phải là thả nổi. Chi cục chăn nuôi thú y cần tránh trường hợp nể nang người thân mà làm hại người dùng. "Vì thế, luật tuy cởi mở nhưng không cởi bỏ" - ông Dương nhấn mạnh.
Luật quy định điều kiện chăn nuôi ở 4 quy mô chính: Trang trại lớn, vừa, nhỏ và nông hộ, căn cứ vào đơn vị vật nuôi. Đơn vị vật nuôi (1 đơn vị = 500kg) cũng là khái niệm mới được quy định bằng khối lượng gia súc gia cầm sống, không phân biệt giống, giới tính. Hiện nay, trình độ chăn nuôi và mật độ nuôi đã khác, cần thiết phải đơn vị tính khoa học hơn.
4 quy mô này cũng có quy định điều kiện chăn nuôi khác nhau từ chuồng trại tới xử lý chất thải. Trong đó, chăn nuôi trang trại quy mô lớn (300 đơn vị nuôi trở lên) phải đánh giá tác động môi trường.
Vẫn còn vướng vấp
Công tác thống kê tổng đàn được xem là 1 trong những vấn đề nan giải trong ngành chăn nuôi hiện nay. Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đánh giá, vẫn còn sai số nhất định từ số liệu thống kê cho đến số lượng thực tế, thậm chí có sự chênh lệch ở số liệu thống kê giữa các ngành.
Đơn cử, đàn lợn sau các dịch bệnh vừa qua, thiệt hại là có nhưng thiệt hại bao nhiêu để khiến thị trường khan hiếm nguồn cung, đẩy giá thị trường lên cao... Theo ông Công, nếu không có con số chính xác và thống nhất thì công tác điều hành sản xuất còn khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Trí - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y TP.HCM kể, đã có địa phương "cầm đèn chạy trước ôtô" khi gấp rút triển khai thống kê tổng đàn dựa trên mật độ nuôi. Nhưng hiện nay, luật đưa ra cách tính theo đơn vị vật nuôi, công tác triển khai ở cấp tỉnh phải được điều chỉnh lại.
"Nhưng việc điều chỉnh thế nào từ công tác thực tế đến văn bản hành chính cần được hướng dẫn cụ thể. Hoặc việc xử phạt với những trường hợp không kê khai vật nuôi hiện chưa có nghị định hướng dẫn, cũng là việc khó" - ông Trí nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương thừa nhận, công tác thống kê hiện nay còn nhiều khó khăn. Ngành chăn nuôi ở Mỹ chỉ có 10 tập đoàn tham gia giết mổ. Qua đó cập nhật khối lượng giết mổ và quy ra số tổng đàn. Việt Nam hiện nay có hơn 30.000 cơ sở giết mổ, việc thống kê là nan giải. Nhất là với gia cầm, việc "cắt tiết vặt lông" ngay tại nhà còn đơn giản hơn nữa.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi vẫn còn có nhiều khó khăn như chăn nuôi nhỏ lẻ hơn 50%; các chỉ tiêu môi trường chưa có nhiều địa phương hoàn thành. Luật Chăn nuôi ra đời đã mở ra không gian mới cho ngành tiến tới hiện đại hóa. Quy mô chăn nuôi nông hộ cũng phải là hộ chăn nuôi chuyên nghiệp.