Ngày 22/5, tại xã Khánh Hà (huyện Thường Tín, Hà Nội) Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm phối hợp với UBND huyện Thường Tín tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình khảo nghiệm giống lúa mới TBR 97 (GL 97) vụ xuân 2020.
CLIP: Triển vọng giống lúa TBR 97 được trồng khảo nghiệm tại huyện Thường Tín, Hà Nội.
TBR 97 (GL 97) – giống lúa triển vọng
Từ năm 2017, giống TBR 97 được đưa vào trồng khảo nghiệm tại xã Khánh Hà, Tô Hiệu, Quất Động của huyện Thường Tín.
Qua khảo nghiệm, đánh giá trong hai vụ xuân và mùa 2019, sản lượng TBR 97 đạt trên 65 tạ/sào. Nông dân xã Quất Động đánh giá cơm dẻo, vị đậm và có mùi thơm nhẹ. Đặc biệt, tỷ lệ xay xát gạo cao, đạt khoảng 70%, thương lái thu mua giá cao từ 9.500 – 10.500 đồng/kg thóc.
Được biết, giống TBR 97 của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã chuyển giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed là đơn vị phân phối giống.
Theo bà Đặng Thị Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, vụ xuân 2020 là vụ thứ 3 huyện thực hiện khảo nghiệm giống TBR 97. Qua theo dõi, đánh giá TBR 97 chịu rét tốt, kháng bệnh đạo ôn, có khả năng thích ứng với đồng đất và khí hậu ở địa phương.
"Trong vụ xuân 2019, giống lúa TBR 97 cho năng suất đạt 69,4 tạ/ha và vụ mùa đạt 65,3 tạ/ha" – bà Hương thông tin.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Tín đã gieo trồng khảo nghiệm trên 36ha giống TBR 97. Trong đó, xã Khánh Hà là địa phương có diện tích gieo trồng lớn nhất với trên 30ha.
Ông Nguyễn Văn Chúc – Giám đốc HTX Nông nghiệp Khánh Hà cho biết: HTX đang gieo trồng giống lúa mới TBR 97 (GL 97) trên diện tích 30 mẫu (khoảng 100 hộ dân tham gia) tại thôn Khánh Vân, đến thời điểm hiện tại lúa sinh trưởng phát triển tốt, không gặp sâu bệnh hại và chuẩn bị được thu hoạch.
"Qua kiểm tra thăm đồng đánh giá, giống lúa có khả năng thích ứng với đồng đất và khí hậu, khóm lúa phát triển mạnh, thân cây khỏe, đặc biệt là khả năng chịu rét, kháng bệnh đạo ôn ở vụ xuân..." – ông Chúc khẳng định.
Đánh giá về kết quả mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR 97 tại xã Khánh Hà, TS Nguyễn Trọng Khanh - Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho rằng, thành công của việc khảo nghiệm giống lúa mới đã tạo động lực cho các địa phương tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.
Thời gian tới, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sẽ tiếp tục triển khai đưa giống lúa mới vào sản xuất trong các vụ tiếp theo, nhằm thay thế các giống lúa cũ năng suất, chất lượng kém trên địa bàn huyện Thường Tín.
Đưa TBR 97 vào cơ cấu giống chính
Theo Phòng Kinh tế huyện Thường Tín, vụ xuân 2020, ngày từ đầu năm trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa to, ngập (ngày 30 tháng chạp và mùng 1 Tết Nguyên đán), trên một số diện tích mạ bị tốc nilon, người dân không kịp thời che phủ lại, làm mạ bị chết.
Tuy nhiên, đối với giống lúa TBR 97 có ưu điểm là chịu rét tốt, vậy nên toàn bộ diện tích mạ gần như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Vụ xuân 2020, gia đình ông Đinh Văn Kha, thôn Khánh Vân (xã Khánh Hà, Thường Tín) cũng đang gieo trồng giống lúa TBR 97, với diện tích 7 mẫu.
Ông Kha nhận định, giống TBR 97 là một trong những giống lúa mới được gieo trồng khảo nghiệm tại địa phương. Bước đầu có thể đánh giá, TBR 97 có tỷ lệ hạt nảy mầm cao, chịu ngập tốt và chịu được sâu bệnh.
"Các vụ trước gia đình tôi gieo trồng giống lúa Bắc thơm số 7, vụ nào cũng lo ngay ngáy vì lúa bị bạc lá. Tuy nhiên, từ khi tham gia mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR 97, gia đình tôi đã hoàn toàn yên tâm về dịch bệnh trên lúa" – ông Kha khẳng định.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Đặng Thị Thanh Hương cho biết: "Sau khi giống lúa TBR 97 được Nhà nước cho phép đưa vào sản xuất đại trà, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện đưa giống lúa này vào cơ cấu giống chính của huyện Thường Tín".
Bà Hương nói tiếp, hiện nay mặc dù giống Bắc thơm số 7 có gen kháng bạc lá nhưng tính kháng chỉ ở mức tương đối. Mặt khác, năng suất rất thấp, hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân không cao.
"Dự kiến trong thời gian tới sẽ đưa giống lúa TBR 97 thay thế giống Bắc thơm số 7" – bà Hương cho biết.
Theo số liệu của Phòng Kinh tế huyện Thường Tín, hiện nay cơ cấu giống chủ lực của huyện là: Bắc thơm số 7, Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, TBR 225, Thiên ưu 8, các giống lúa này sau nhiều năm đưa vào sản xuất đã có nhiều biểu hiện thoái hóa.