Tại hợp tác xã (HTX) rau sạch Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) có gần 50 hộ tham gia canh tác rau, củ, quả tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Trung bình mỗi hộ dân sản xuất 3 sào rau củ và hoa màu. Mỗi năm, bà con sản xuất hai vụ rau chính là đông xuân và hè thu. Đây là nguồn kinh tế ổn định cho bà con HTX gia tăng sản xuất rau sạch chất lượng cao.
Bà Đặng Thị Hòa (62 tuổi), xã viên HTX rau sạch Túy Loan cho biết: "Dù đã chọn những giống rau họ cải, mồng tơi, dền đỏ, hành lá, tía tô, … để gieo trồng vụ hè thu, nhưng với mức nhiệt dao động đến 40oC thì tôi vẫn phải tăng cường tưới nước cho rau 3 lần/ngày. Bên cạnh đó, dù sử dụng lưới đen che nắng, giàn lá bí đao để giảm bớt nhiệt độ nhưng rau cải vẫn bị cháy lá, già sớm hơn so với tiến độ thu hoạch. Mùa nắng rau màu dễ chăm sóc, nhưng nền nhiệt quá cao khiến sản lượng giảm đáng kể và thu nhập cũng giảm theo".
Hè thu là thời điểm thuận lợi để bà con không cho đất nghỉ, tăng cường phân bón và đẩy mạnh năng suất rau sạch. Vào tháng nắng nóng cao điểm, mỗi xã viên phải trả trung bình 20.000 đồng/sào tiền máy bơm nước cho HTX.
Một nông dân khác chia sẻ, mùa nắng trồng rau khó khăn, phải có nước tưới thường xuyên thì rau màu mới phát triển tốt. Hai sào dưa leo và mồng tơi của nông dân này ít sâu bệnh, tươi tốt và cho sản lượng đều nhờ chăm làm cỏ, tưới nước đều đặn.
Theo ghi nhận của phóng viên, các vườn rau, củ, quả của bà con nông dân hầu hết sử dụng mái vòm nhôm để vừa làm giàn cho cây leo vừa che nắng, điều tiết lượng nước mưa cho những luống rau sạch sinh trưởng mạnh. Bên cạnh đó, nhà nông chú trọng trồng các loại cây chịu hạn tốt như: ớt, bí đao, bí đỏ, ngò, khổ qua,… để giảm công chăm sóc và đảm bảo năng suất trong mùa khô hạn.
"Mọi khi ớt đạt 30.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 8.000 đồng/kg khiến thu nhập của tôi giảm mạnh. Dù ớt chịu được nắng nóng nhưng vẫn bị chết số ít và cứ 5 ngày phải tưới một lần để ruộng ớt cho năng suất đều. Đến hết tháng 7, tôi sẽ chuyển sang trồng rau vụ đông và hi vọng có thu nhập cao hơn hiện giờ…", bà Lê Thị Tiền vừa hái ớt vừa cho biết.
Ông Trần Văn Su (60 tuổi, trú thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương) cho hay, nắng nóng mùa này khó trồng rau nên bà con nông dân ở đây đều chuyển sang trồng bí đỏ, dưa hấu nhưng giá thành cũng không ổn định. Mỗi hộ gia đình lại có hướng canh tác riêng nên không tạo được sự liên kết trong sản xuất, dẫn đến mô hình trồng rau tập trung theo HTX cũng không còn khả thi.
Đồng cảnh ngộ, tại nông trại sản xuất rau quả hữu cơ Tâm An farm (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương), vụ hè thu này rau trồng theo phương pháp hữu cơ rất khó phát triển và phải giảm diện tích canh tác. Hiện tại, hơn 10 nông dân luôn tích cực sản xuất rau củ hữu cơ cùng với hệ thống nước tưới tự động chạy suốt 6 tiếng/ngày, nhằm đảm bảo sản lượng rau sạch đủ cung ứng ra thị trường.
Theo bà Châu, nông dân tại Tâm An farm, nắng nóng cao điểm nên rau, củ, quả khó phát triển. Đặc biệt, khi thời tiết oi bức kéo dài thì người trồng rau hữu cơ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong canh tác, nếu nắng nóng kéo dài sẽ khiến sản lượng không đủ cung cấp cho người tiêu dùng. Từ đó, giá nông sản hữu cơ cao gấp nhiều lần so với nông sản thông thường và trở nên "cháy hàng".