Paradise, "Thiên đường", từng được biết đến với hình ảnh một thị trấn đậm chất đồng quê của bang California.
Khu định cư với hơn 27.000 dân nằm vắt ngang sườn đồi dưới chân dãy Sierra Nevada, là nơi để những người mong muốn cuộc sống bình lặng và vừa đủ tìm đến.
Họ được sống đúng với mơ ước của mình, cho đến mùa khô định mệnh vào tháng 11/2018, khi cả thị trấn bị hủy diệt trong trận cháy rừng kinh hoàng nhất lịch sử California.
Thảm họa gần 2 năm trước, cùng nguyên nhân và hậu quả của nó, đã được Alastar Gee và Dani Anguiano ghi lại chi tiết trong quyển sách vừa xuất bản: "Fire in Paradise: An American Tragedy" (Tạm dịch - Cháy ở Thiên đường: Một bi kịch Mỹ).
Hai nhà báo từng đưa tin về sự kiện này cho tờ Guardian đã khéo léo đan lát ký ức của những người sống sót với những nhận định từ giới chuyên gia để mang đến bức tranh sắc nét và chân thật về thảm kịch ở Paradise năm 2018.
Nhờ vào vòng tuần hoàn giữa mùa đông ẩm ướt và mùa hè khô cằn đặc trưng của khu vực, phần lớn hệ sinh thái California đã "sáp nhập" cháy rừng vào nhịp sống tự nhiên của mình.
Cháy rừng không chỉ tạo nên điều kiện để các giống cây sinh sôi, mà đồng thời ngăn thảm thực vật mọc tràn lan.
Tuy nhiên, vòng tuần hoàn chuẩn mực đó đã bị phá vỡ bởi con người. Gần một thế kỷ trôi qua với chính sách ngăn chặn cháy rừng dựa trên nhận thức sai lầm, những cánh rừng và quần thể cây bụi gai ở California đã phát triển dày quá mức, tạo nên nguồn nhiên liệu khổng lồ cho các đám cháy. Biến đổi khí hậu kéo mùa khô tại California lấn sang những tháng mùa thu, khi những trận gió lớn đổ về vùng đất.
Tất cả hợp thành công thức cho những trận cháy tàn khốc nhất lịch sử California. Theo Gee và Anguiano, mùa khô dài bất thường của năm 2018 khiến vùng đồng quê California khô cằn không khác gì "bùi nhùi nhóm lửa".
Thảm họa khởi đầu với mùa mưa cuối năm 2017 - đầu năm 2018, khi lượng mưa thấp dưới mức trung bình. Tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài sang tuần đầu tiên của tháng 11/2018.
Đêm 7/11 và rạng sáng 8/11, gió tây chủ đạo bất ngờ đảo chiều, tràn từ khu vực Đại Bồn địa sang phía đông, vượt qua dãy núi Sierra Nevada. Những cơn gió lên đến 50 dặm mỗi giờ (hơn 80 km/h) quét ào ạt xuống chân đồi. Mọi thành phần công thức đã đủ, chỉ chờ một mồi lửa.
Cách Paradise hơn 11 km là đường dây truyền tải từ nhà máy thủy điện của công ty Pacirfic Gas & Electric (PG&E). Hệ thống này chạy ngang một hẻm núi có địa hình gồ ghề. Chuỗi tháp giữ đường dây truyền tải có tuổi đời đã gần cả thế kỷ.
Khoảng hơn 6h sáng 8/11, đợt gió mạnh phá vỡ móc giữ trên một tháp, làm rơi dây điện "sống" (vẫn còn dòng điện chạy qua). PG&E ghi nhận mất điện trên đường dây truyền tải vào lúc 6h15. Gần 30 phút sau, giám sát viên báo cáo nhìn thấy đám cháy rộng hơn 9 m2 trên khu đất trống dưới hệ thống.
Đội trưởng cứu hỏa địa phương Matt McKenzie và đồng đội mất thêm gần 25 phút mới tiếp cận được vị trí hiện trường theo báo cáo, nhưng nhanh chóng nhận ra đám cháy thật ra nằm phía bên kia hẻm núi. Ngăn cách họ và hiện trường là cả một con sông không tài nào vượt được. Muốn tiếp cận đám cháy, đội của ông phải đi bằng một con đường khác với thời gian di chuyển gần 40 phút.
Với 20 năm kinh nghiệm trong ngành, Matt McKenzie hiểu rõ đám cháy trước mắt ông "có tiềm năng khủng khiếp".
Dưới những cơn gió xoáy dữ dội, đám cháy trở thành một "quái thú" vượt khỏi mọi khả năng kiểm soát và thẳng tiến về thị trấn Paradise. Ghi nhận từ các vệ tinh ước tính lửa di chuyển ở vận tốc hơn 33 km/h, cao hơn mức tối đa trên thang đo tốc độ lan rộng của cháy rừng.
Paradise gửi cảnh báo tự động đầu tiên vào lúc 7h57. Chỉ 5 phút sau, giới chức địa phương "ra lệnh sơ tán bắt buộc cho toàn thị trấn". Vấn đề là chưa đến một nửa dân số thị tấn kết nối với mạng lưới cảnh báo này.
Trong khi đó, hơn một nửa tin nhắn cảnh báo cũng không đến được khu dân cư phía đông, nơi lửa tràn đến đầu tiên. Nhiều người nhận được tin báo khi lửa đã tiến sát đến khu vực sinh sống.
Theo Gee và Guliani, Paradise thuộc nhóm thiểu số các thị trấn California có "kế hoạch sơ tán đàng hoàng". Tuy nhiên, không ai lường trước được viễn cảnh họ phải sơ tán đồng loạt cả thị trấn như những gì đã xảy ra vào ngày định mệnh đó.
Cả vùng chìm trong hỗn loạn. Những tuyến đường sơ tán huyết mạch tê liệt vì giao thông ùn tắc và lửa cháy khắp nơi. Mọi người rời phương tiện bỏ chạy. Những hàng xe đang "chết đứng" cho lửa quét qua.
Khoảng 10h sáng hôm đó, chưa đầy 4 tiếng kể từ khi bùng phát, lửa đã bao trùm một diện tích hơn 23 km2. Đám cháy lớn nhất tàn phá trục đường chính ở trung tâm thị trấn. Số người tử vong bắt đầu tăng.
Phần lớn cư dân đã chạy thoát thành công, nhưng số người tử vong cũng không nhỏ. Đến đêm cùng ngày, thị trấn Paradise của bang California chính thức không còn tồn tại.
Gần 17 ngày sau khi bùng phát vụ cháy mới được dập tắt nhờ mưa giông ập đến. Hơn 14.000 căn nhà bị phá hủy. Ít nhất 85 người thiệt mạng. Lửa thiêu rụi một diện tích hơn 51.700 hecta..
PG&E nhanh chóng bị quy trách nhiệm cho thảm họa năm đó. Theo thẩm phán liên bang giám sát án phạt của PG&E liên quan đến vụ một cháy rừng vào năm 2010, công ty đã chi gần 4,5 tỷ USD cho cổ đông trong vòng 5 năm trước khi thảm họa xảy ra. Lợi nhuận không được ưu tiên cho việc trùng tu cơ sở hạ tầng, vốn đã xuống cấp do bị bỏ bê trong thời gian dài.
Đầu năm 2018, Thống đốc Jerry Brown cũng cảnh báo cháy rừng với mức độ tàn phá nghiêm trọng đang dần trở thành "tình trạng bình thường mới" của bang California. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Brown đã đánh giá thấp quy mô cuộc khủng hoảng.
Trả lời trong quyển sách của Alastar Gee và Dani Anguiano, ít nhất 3 chuyên gia cho rằng giới chức địa phương "sai lầm khi phỏng đoán cả vùng đã đạt đến một trạng thái cân bằng nào đó".
Với thảm kịch tại Paradise và phía bắc California vào tháng 11/2018, các chuyên gia cảnh báo bang miền Tây nước Mỹ đang tiến vào một kỷ nguyên mới đầy nguy hiểm. Biến đổi khí hậu kết hợp với hệ sinh thái sinh sôi thiếu cân bằng đã đưa California đến với "kỷ nguyên siêu cháy rừng". Những thảm kịch sau sẽ còn tồi tệ hơn nữa.