"Trồng thì lỗ, không trồng thì đói"
Đã nhiều tháng qua, cánh đồng lúa nước rộng lớn tại xã Bông Krang, huyện Lắk (Đắk Lắk) cháy khô, nứt nẻ. Bây giờ đã sắp hết tháng 5, ông Ksor Ơn (xã Bông Krang) không còn đủ kiên nhẫn để chờ trời nữa. Ông đành phải mượn máy, kéo ống dẫn nước từ con kênh nhỏ (dẫn nước về cánh đồng xã Yang Tao, huyện Lắk) vào mảnh ruộng rộng chừng một sào của mình để làm đất, sạ lúa.
"Để có nước cày miếng ruộng này, tôi đã tốn hết 200.000 đồng tiền dầu. Tôi làm để kiếm hạt lúa ăn nên lời lỗ không thể tính được"- ông Ksor Ơn nói.
Gần mảnh ruộng của ông Ksor Ơn, một số gia đình cũng chấp nhận bơm nước để sạ lúa. Họ biết việc này sẽ tốn kém rất nhiều vì nếu cây lúa mọc lên, trời không có mưa thì buộc phải tiếp tục dùng máy bơm để tưới. Nhưng cũng như ông Ksor Ơn, họ cần hạt lúa để ăn đành phải chấp nhận "đánh cược" với trời.
Theo báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện cũng đã có gần 12.000ha cây trồng bị hạn. Trong đó, nơi thiệt hại nặng nề nhất là huyện Ea Kar với hơn 6.300ha thiếu nước tưới do nước sông Krông Pắc cạn kiệt. Toàn tỉnh có gần 4.000ha lúa nước đứng trước nguy cơ mất trắng hoặc giảm năng suất đáng kể do thiếu nước cùng gần 4.600ha cây lâu năm và hàng ngàn ha hoa màu thiếu nước nghiêm trọng.
Tại tỉnh Đắk Nông, hiện cũng đã có hơn 17.600ngàn ha cây trồng các loại bị hạn hán. Chỉ trong 5 ngày (từ 15/5-20/5), con số bị hạn đã tăng đến gần 5.000ha. Ngành chức năng nhận định toàn bộ diện tích bị hạn này (chủ yếu diện tích cà phê, tiêu) bị thiệt hại từ 30% đến trên 70%. Trong đó, chỉ riêng huyện Krông Nô đã có đến 13.969ha cây trồng bị hạn.
Ông Lê Trung Kiên, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông cho biết, diễn biến thời tiết vẫn đang rất phức tạp, trong thời gian tới khả năng toàn tỉnh sẽ có thêm khoảng 10.000ha cây trồng tại Cư Jút, Đắk Mil và Krông Nô tiếp tục rơi vào tình trạng khô hạn.
Suối nguồn cạn kiệt
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, hiện nguồn nước các sông suối và nước ngầm so với trung bình cùng kỳ nhiều năm trước đang duy trì mức thấp hơn; lượng dòng chảy mặt thiếu hụt khoảng 50 - 70% so với trung bình nhiều năm. Nhiều suối nhỏ trên địa bàn tỉnh bị cạn kiệt; mực nước ngầm các tháng đầu năm 2020 phổ biến thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019, cục bộ một số vùng giảm rất sâu.
Toàn tỉnh có tổng số 782 công trình thủy lợi, hiện nay mực nước các hồ chứa chủ yếu duy trì ở mức thấp; hồ chứa nhỏ phổ biến cạn kiệt, trong đó có 96 hồ cạn khô hoàn toàn, các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng từ 30 - 50% dung tích thiết kế, nhiều đập dâng, trạm bơm không đảm bảo năng lực thiết kế do lượng dòng chảy giảm.
Tại Đắk Nông, ông Lê Trung Kiên cho biết, trên địa bàn tỉnh có 278 công trình thủy lợi do nhà nước quản lý, trong đó có 238 hồ chứa, 24 đập dâng. Tính đến thời điểm hiện tại, dung tích hồ chứa toàn tỉnh ước khoảng 46% tổng dung tích thiết kế.
Các công trình thủy lợi hiện đang phục vụ tưới cho khoảng 39.024 ha/180.000 ha cây trồng các loại có nhu cầu tưới, đáp ứng khoảng 21,68%, còn 140.976 chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên như sông, suối, ao nhỏ, giếng khoan, giếng đào của người dân.
Trong số 238 hồ chứa có 22 hồ chứa cạn kiệt nguồn nước trong đó có 20 hồ không có nguồn nước bổ sung. 24 đập dâng cũng đa phần bị cạn kiệt. Bên cạnh đó, mực nước và lưu lượng trên các sông suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục dao động theo xu thế giảm, đặc biệt tại khu vực phía Bắc tỉnh nguồn nước tại các suối trên địa bàn đã bị cạn kiệt.
Thống kê mới nhất của Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, nắng nóng kéo dài đang khiến hơn 2.800 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Các huyện bị ảnh hưởng nặng là: Ea Súp, Krông Bông, Ea Kar, Buôn Đôn, Cư Mgar… Tại Đắk Nông cũng đang có gần 700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở Krông Nô và Đắk Mil.
Hàng ngàn hộ dân Tây Nguyên thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.