Ngày 26/5, ông Y Tèo - Chủ tịch xã Dliê Ya (huyện Krông Năng, Đắk Lắk), cho biết trên địa bàn đã có 1 cửa hàng xăng dầu đóng cửa. "Chúng tôi đã trao đổi với doanh nghiệp thì được biết hiện họ đã hết hàng để bán. Việc này đã gây ra một số khó khăn cho người dân"- ông Y Tèo nói.
Chủ tịch UBND xã Ea Toh (huyện Krông Năng) Trần Thái Thạnh cũng cho biết, hiện trên địa bàn có 5/8 cửa hàng xăng dầu đóng cửa. Bây giờ đang là mùa tưới của nông dân, thời tiết vẫn chưa có mưa, nếu tình trạng này kéo dài, người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bà Hoàng Thị Điều, Giám đốc doanh nghiệp Quý Điều cho biết, doanh nghiệp của bà không còn xăng dầu để bán nên buộc phải đóng cửa 2 cửa hàng tại xã Ea Toh và 1 cửa hàng tại xã Dliê Ya. Riêng cửa hàng tại thị trấn Krông Năng, doanh nghiệp buộc phải gom hàng từ các nơi với số lượng nhỏ giọt về để thực hiện hợp đồng với một số đơn vị.
"Chúng tôi đã liên lạc với nhà phân phối nhưng họ thông báo không còn dầu. Riêng xăng thì bán bằng giá quy định của Nhà nước. Nếu nhập giá này, mỗi lít xăng doanh nghiệp phải chi phí 300 đồng vận chuyển, 300 đồng nhân công, điện, ngoài ra còn hao hụt…lỗ rất nặng"- bà Điều cho biết.
Đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ-Sản xuất Thắng Thành cũng cho biết, họ đã đóng cửa 5 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn 2 huyện Krông Năng và Krông Búk do hết hàng.
Sáng 26/5, ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa và đã tiến hành kiểm tra, làm rõ.
Tại thời điểm kiểm tra, trong kho, bồn chứa của các doanh nghiệp có cửa hàng xăng dầu đóng cửa không còn hàng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ tiến hành làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc đóng cửa các cây xăng dầu để xử lý cho phù hợp.
Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp tư nhân bán lẻ xăng dầu đang rơi vào tình trạng giá mua cao, bán thấp vì bản thân thương nhân phân phối cũng đang lỗ.
Do càng bán càng lỗ nên một số cửa hàng đã tạm thời ngừng bán. Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh, các nước hạn chế sản xuất xăng dầu nên có phần khan hiếm nguồn cung khiến các thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ nhập về nhỏ giọt.
"Chúng tôi có một nhóm Trưởng phòng Quản lý thương mại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Anh em cho biết nhiều tỉnh đã xảy ra tình trạng tương tự, không riêng gì Đắk Lắk. Do đó có nhiều ý kiến cho rằng cần phải cùng kiến nghị lên Bộ Công Thương về vấn đề này" - ông Lưu cho biết thêm.
Cũng theo ông Lưu, giá xăng dầu do liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định, địa phương không nắm. Tuy nhiên, sau khi nhận được đơn phản ánh những khó khăn và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 của Chính phủ từ các doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đang dự thảo văn bản báo cáo Bộ Công Thương.
Ông Lưu cho rằng theo Nghị định 83, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu là 15 ngày là bất cập vì không sát với thực tế giá cả thị trường. Bên cạnh đó, cũng đề nghị giảm trích quỹ bình ổn giá. “Doanh nghiệp đâu xách tiền túi ra để bỏ vào quỹ bình ổn mà tính vào giá. Nếu không trích mà để theo giá thị trường thì người tiêu dùng không phải gánh khoản quỹ này” - ông Lưu kiến nghị.