Tận mùa hè 1960, sau sửa sai, mọi việc tạm yên hàn, tôi và đứa em Nguyễn Thước liền được cậu tôi dẫn về thăm quê. Trẻ em Hà Nội khi đó, trong điều kiện giao thông không được như hôm nay, nên đấy là chuyến đi đầu đời được đi dài, kì thú vô cùng. Chúng tôi lên tàu hỏa đi về Hải Dương. Tàu hỏa chầm chậm chạy, trong tiếng xình xịch nặng nhọc của cái đầu máy hơi nước đen đúa đầy bụi than, thi thoảng cái đầu tàu lại xì thật mạnh cho một làn hơi nước trắng xóa bay phụt mạnh ra rồi bụi nước ấy tan nhanh trên những khoảng ruộng, thửa thì lúa đang chín vàng, thửa đã gặt trơ rạ. Bức tranh ruộng đồng ấy lần lượt trôi nhanh qua hai bên đường tàu. Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những cánh đồng thực sự. Về Ninh Giang, tôi và cậu em được cậu tôi đưa đi xe khách. Còn ông, vì không có xăng, còng lưng đạp cái xe máy Mobilet Pháp đã tháo máy, dưới nắng tháng 7.
Chúng tôi vào nghỉ đêm ở nhà ông chú làm cán bộ ở nhà máy xay Ninh Giang. Một chiều và một đêm yên tĩnh. Sớm dậy, thấy nhà chú có cây ổi găng đầy quả ngọt. Tôi và cậu em hái ổi nhét đầy hai túi quần. Tôi cứ tự hỏi sao chú tôi không hái bán kiếm tiền mà cứ để ổi rụng đầy góc ao. Sáng sau từ Ninh Giang, cậu tôi lại đèo hai anh em trên chiếc xe Mobilet tháo máy về Quỳnh Côi. Thời bấy giờ đến cái xe đạp cũng quý hiếm, chiếc xe Mobilet trông lạ hơn, nên qua làng nào, trẻ em chạy theo xe cả dãy dài, y hệt như trò chơi thả đỉa ba ba.
Tôi ấn tượng nhất trước khi qua Bến Hiệp, lúc xe bò trên đê. Mùa hè, nhìn hai bên bờ đê hoa màu xanh ngăn ngắt, gió hây hây đưa lên mùi nước sông Thái Bình man mát, rồi mùi khói từ mấy lò mía, thơm hừng rơm củi và mùi mật ngọt quyện vào nhau, lẫn vào đó là mùi phân bò dọc đê, tạo thành cái hương vị nhà quê, để từ đấy, nhất là khi ra xứ người, cái mùi nhà quê ấy cứ quẩn quanh trong tôi mãi.
Đến gần làng, từ trên đê nhìn xuống cậu tôi chỉ tay vào vệt xanh mờ, xanh rượi những dãy tre, nói: "Kia là làng ta. Các con sau này về, cứ dóng hai cây gạo mà tìm về". Lại chỉ một cái gò lớn ven lối mòn: "Kia là mả Ông Đống." Hỏi sao lại có tên vậy. Đáp: "Lâu lắm ngày xưa, có người qua làng đói quá gục chết. Tục làng không cho dân tha hương vào nghĩa địa làng, mà chôn ngay nơi người ta mất. Ai đi qua cũng thương kẻ chết đường chết chợ mà đáp cho một hòn đất, năm tháng thành cái gò cao ấy". Mãi sau này khi ở bộ đội, đi nhiều nơi, tôi mới biết rằng, nhiều địa phương khác cũng có cái mả Đống tương tự như thế. Nó âu như dấu tích của làng quê một thời xa xăm đói nghèo lắm.
Chúng tôi ở thăm làng tôi ba tuần.
Ở nhà chú thím Thị, sáng nào ăn sáng không xôi thì khoai lang luộc ăn với mít. Mít quê tôi sao ngọt và múi dày thế! Đi quanh quẩn nghiêng ngó thấy vườn nhà nào cũng dăm gốc mít. Cậu tôi bảo: "Vườn nhà mình xưa có chục gốc mít. Mít cho quả, mít lấy gỗ làm nhà con ạ". Nhưng tôi và cậu em ấn tượng nhất những bữa ăn của họ hàng mời. Thịt gà ri béo nhẫy, mềm và thơm phưng phức. Có hôm chú Hồng mời món trạch trấu nấu củ chuối. Tôi tò mò hỏi, mới biết chú đi bừa, đem theo cái giỏ. Trạch ngộp thở trong bùn sục ngoi lên là thợ cầy túm lấy cho vào giỏ. Xong buổi cầy, người đi cầy, bừa nào cũng có nửa cân trạch mang kho nấu. Món trạch nấu củ chuối non thái nhỏ con chì, ăn với cơm gạo mới thơm nhưng nhức, bùi và béo ngậy. Trong khi đó trên Hà Nội lương họa sĩ của cậu tôi có 90 đồng mỗi tháng, nuôi 5 mạng người, chỉ ngày Tết mới có thịt gà. Tôi nghĩ, ở nhà quê sướng quá. Gạo mới thơm và dẻo, thức ăn thì ê hề, khi thịt, lúc lại cá, lúc gà ri béo ngậy, có hôm còn đụng cả lợn, ăn uống ê hề cả dăm mâm.
Tôi không biết đâu rằng, ông trưởng họ là cậu tôi về, bao năm xa quê biền biệt, họ hàng nhịn ăn nhịn uống bao ngày mà đãi khách ở Hà Nội. Cha con chúng tôi đi thăm thú dăm làng. Cậu tôi là họa sĩ, nhưng không ai chào Bác Thiệu họa sĩ cả. Khắp nơi họ chào: "Chào Ông giáo đã về". Thì ra ở xa xưa, cậu tôi dạy Pháp văn ở trường Trung học huyện. Cái từ Ông giáo người nhà quê cả huyện đâu cũng nói ra rất cung kính, rất trang trọng, mới biết người quê tôi trọng nghề giáo ra sao.
Rồi chúng tôi đi thăm thú vài nơi trong những câu chuyện của cậu tôi. Thăm bến Hiệp, quê mợ tôi, nơi ông dẫn cả ngàn người nông dân chặn hai ca nô lính Nhật không cho chúng lên bờ chiếm kho thóc của Pháp. Tôi tưởng tượng năm 45 ấy, hai chiếc ca nô đặt súng trung liên đầy lính Nhật hoảng sợ tháo chạy trước hàng vài ngàn người nông dân huyện tôi la thét, tay cầm liềm, bừa, giáo mác, dao rựa và gậy gộc trên bờ. Kho thóc được Việt Minh giữ lại chiếm từ tay Pháp Nhật. Ông dẫn tôi đến nơi xưa là Căng Quỳnh Lang nhắc lại chuyện năm xưa bị Pháp giam ở đó ra sao. Ông chỉ nơi thằng quan hai Pháp đã dồn 200 tráng đinh huyện tôi đổ xăng đốt cháy, giết sạch trong một đêm như thế nào. Không hiểu sao khi đó tôi di mãi bàn chân xuống đất. Đất pha cát lạo xạo. Cha tôi bảo, máu người quê mình đổ nhiều lắm con ạ.
***
Rồi chuyến đi kết thúc, tôi tiếp tục đi học. Năm 1964 Mỹ đánh bom quanh Hà Nội. Tháng 7/1965 vừa thi xong cấp III, tôi nhập ngũ xung vào đội quân cao xạ đánh nhau khắp miền Bắc, thoát chết nhiều lần. Hè 1969 đại đội tôi nhận lệnh đi B ngắn. Từ Hải Phòng qua Thái Bình đến Cầu Nghìn thì nghỉ đêm. Hỏi thăm, từ đấy chỉ cách làng tôi hơn gần chục cây. Đi B rất dễ chết, tại sao không về thăm quê một lần nữa nhỉ. Tôi báo cáo A Trưởng, anh dặn, cho cậu về mai 4h sáng phải có mặt. Rõ! Tôi dắt vào thắt lưng con dao găm Nga rồi tìm đường về thị huyện Quỳnh Côi. Tháng 7 mưa nhỏ rả rích, kệ, tôi đội mưa đi nghĩ tới món thịt gà làng tôi béo ngậy mỡ. Hơn hai giờ xuyên đêm rồi cũng qua cầu Dầu để lên đê. Tôi áng chừng, nhớ ra chuyến đi xưa, nhớ lời cậu tôi dặn. Kia làng tôi! Trong đêm dải tre xanh mờ và hai cây gạo còn đó. Men đường mòn đi xuống, mả ông Đống đây rồi. Trí nhớ tôi tuyệt vời, tôi tìm đúng nhà chú thím nhờ cái chuồng trâu bao năm vẫn cạnh bụi tre.
Trong mưa mùi phân trâu nồng nồng. Vào đến sân gạch nhà Thím tôi đã 10h đêm. Sân vắng lặng. Không thấy con chó ngày xưa. Tôi gọi to, thím Thị ơi cháu Thọ về đây. Từ trong nhà cái đèn dầy lom nhom sáng lên rồi một bóng người lưng còng sát đất hiện ra ở cái ngưỡng nhà. "Thọ đấy hả? Cháu về đấy hả? Sao về tối thế này?". Tôi nhanh chóng giải thích cho thím. Bà thím lưng còng gập đất xót xa: "Giời ơi sắp đi Nam chiến đấu rồi mà còn tìm được về làng. Cháu tôi quý hóa quá!".
Hóa ra nhà không còn ai ngoài thím tôi. Chú tôi mất đã vài năm. Hai cậu em, con chú thím, đứa cả là dân quân đêm ấy đi trực chiến. Đức thứ Hai nhập ngũ đã nửa năm, không có tin tức gì. Thím dẫn tôi vào cái chái bếp lụp xụp nấu rơm bên nhà lớn. Lửa thổi bùng lên. Thôi thấy thím vào chái nhà đong ra rá bát gạo lớn. Lại cầm tay tôi ra tận chuồng gà sau nhà. Bà quờ tay vào, khổ cháu tôi quá, vừa rồi dịch chết sạch rồi. Quả vậy trong chuồng không một tiếng kêu. Tôi nhìn ra sân, mặt sân anh ánh nước mưa sót lại. Dăm mớ rau muống cọng dài mọc loe ngoe.
Thím luộc rau rồi lấy cái mâm gỗ sắp cơm ra hiên, lại vào chái nhà bưng ra cái hũ. Mắm cáy đấy con ạ. Bà rỏ ra bát thứ nước mắm gì đùng đục. Thím tôi xới đầy bát cơm cho tôi. Tôi gắp rau chấm mắm. Trời ơi, thứ mắm gì mà tanh khủng khiếp làm tôi không thể ăn tiếp. Tôi cố nuốt cơm nhạt ăn với rau muống. Cũng chỉ hơn một bát, dầu thím cứ ép mãi. Mãi sau này tôi mới biết thứ mắm cáy là ngọt ngon lắm. Nhưng người nông dân nghèo, ăn hết nước cốt lại đổ thêm nước muối vào. Không biết thứ mắm cáy hôm đó của thím tôi là nước thứ mấy. Khi thím dọn dẹp thì tôi thèm thuốc. Vào bếp cời rơm, châm điếu thuốc, thấy trên bếp có cái nồi đồng vung đậy hờ, để trên ba ông đầu rau, bèn mở ra xem. Trời ạ. Cơm toàn độn khoai, còn cơm thím nấu cho tôi toàn gạo mới thơm dẻo. Tôi trào nước mắt. Tôi về đến đơn vị là gần 3 giờ sáng. Tôi không sao ngủ được.
Thái Bình quê tôi, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi suốt chiến tranh là tỉnh Năm tấn. Nơi quân không thiếu một người, thóc không thiếu một cân. Câu chuyện đêm đó của thím kể cứ ám ảnh tôi mãi. Các em tôi đứa thoát li còn đều nhập ngũ. Mãi sau tôi mới biết thằng em con thứ hai của thím bị lính Mỹ bắt đầy ra Phú Quốc tận 1972 mới trao trả. Đêm cuối ở quê hương năm ấy về sáng mưa lớn rồi ngừng. Xung quanh ếch nhái kêu rộn. Tiếng giun dế ra rả kêu tới sáng sao buồn thế. Rồi tôi mơ thấy tôi và hai đứa em chạy giữa những luống ngô trên cánh đồng bãi năm nào. Thằng em nhà quê chộp được cho thằng anh Hà Nội 12 tuổi về một con cào cào ngô rất lớn. Nó đạp chân choanh choách giãy giụa và cố xòe cánh ra. Đôi cánh bên trong mỏng như lụa đủ màu sắc. Tôi tung nó lên cao để nó bay vù vù trên cánh đồng bãi. Trong mơ tôi nghe rõ tiếng tụi tôi cười khanh khách.
Giấc mơ ấy theo suốt tôi những tháng năm gian khổ trong rừng quần nhau với giặc. Cả mùi tanh nồng của bát mắm cáy đêm ấy và hình ảnh niêu cơm đất trắng tinh và mấy bó rau muống loe ngoe đua ngọn trên sân gạch. Nó theo tôi bao năm, cả khi tôi ra xứ người dầm chân trên tuyết trắng chợt nhớ về quê hương. Và, tất cả những điều sâu đậm ấy để tôi luôn đề trên tất cả các cuốn sách: Nguyễn Văn Thọ. Quê quán: Thái Bình. Trú quán: Hà Nội. Tôi gốc gác là người nhà quê mà.
Ngọc Hà, tháng 5/2020
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!