Thời cổ đại, những bậc đế vương tung hoành ngang dọc, lưu danh thiên cổ phần lớn đều là đàn ông. Thế nhưng trong dòng chảy lịch sử, vẫn luôn có những người phụ nữ quyền cao, chức trọng, không chỉ đứng sau, có người còn làm chủ cả một quốc gia, một đất nước.
Hôm nay chúng ta nhắc đến một mỹ nhân truyền kỳ, nàng tên gọi Lâu Chiêu Quân.
Lâu Chiêu Quân xuất thân là kiều nữ nhà giàu. Cha nàng là Lâu Can, từng giữ một chức quan nhỏ trong triều đình Bắc triều, vốn là người tộc Tiên Ti, ở địa phương rất có quyền uy, danh vọng.
Được đánh giá là một mỹ nhân xinh đẹp như hoa lại hiểu biết lễ nghĩa hơn người, đến tuổi cập kê, Lâu Chiêu Quân không thiếu người theo đuổi, muốn dâng sính lễ hỏi cưới. Song, Lâu Chiêu Quân từ nhỏ tính tình ngang bướng lại được chiều chuộng, nàng muốn tự mình làm chủ hôn sự của bản thân. Công tử nhà giàu, thiếu gia con quan, nàng không ưng ai cả.
Thực chất, Lâu Chiêu Quân luôn nghĩ, người mình lấy làm chồng phải là anh hùng cái thế, tài năng hơn người, có thể gây dựng nghiệp lớn.
Một ngày nọ, Lâu Chiêu Quân đi dạo, nhìn thấy Thần Vũ Đế Cao Hoan (lúc bấy giờ vẫn chỉ là một binh sĩ giữ cổng ở Bình Thành). Vừa gặp đã cảm mến, Lâu Chiêu Quân nhìn thấy Cao Hoan phong thái hiên ngang, thần thái bất phàm, bèn giật mình nói: "Người này chính là chồng ta".
Tâm ý đã quyết, Lâu Chiêu Quân chủ động bày tỏ lòng mình với Cao Hoan, thậm chí nhiều lần tặng quà cáp, tiền bạc, nói rằng chuẩn bị cho Cao Hoan đến nhà làm lễ đính hôn.
Đối với sự việc này, cha mẹ Lâu Chiêu Quân rất không hài lòng, thế nhưng con gái một lòng đã quyết, chiều con, cuối cùng gia đình Lâu Chiêu Quân đồng ý gả con gái cho Cao Hoan.
Thực tế, Thần Vũ Đế Cao Hoan trước đó đã từng phong quang, huy hoàng, chẳng qua do phạm pháp mà phải lưu vong. Cũng chính vì vậy, mặc dù Cao Hoan có chí thiên hạ nhưng tình thế đơn độc, tim mang hoài bão nhưng không có chỗ dùng. Mãi đến khi gặp được mỹ nhân Lâu Chiêu Quân, cuộc sống của Cao Hoan mới hoàn toàn bước sang trang mới. Có thể nói, Lâu Chiêu Quân chính là quý nhân trong thiên mệnh của Cao Hoan.
Sau khi kết hôn, Cao Hoan bắt đầu gây dựng sự nghiệp, kết giao với anh hào khắp nơi.
Năm 525, khởi nghĩa lục trấn bùng nổ, Cao Hoan theo phò Đỗ Lạc Chu, bắt đầu con đường binh nghiệp. Đến năm 532, khi thế lực phát triển đủ mạnh, Cao Hoan tiêu diệt Nhĩ Chu thị, giết chết hai Phế Đế, tiếm vị Bột Hải vương trong triều đình, Lâu Chiêu Quân được phong làm vương phi.
Lên làm vương phi, Lâu Chiêu Quân không ỷ sủng sinh kiêu, ngược lại rất nhã nhặn hiền từ. Nàng là người tiết kiệm nhưng tính tình cũng hào phóng, không đố kỵ, ghen tuông. Khi Cao Hoan nạp thiếp, Lâu Chiêu Quân nhu thuận, từ ái, khiến Cao Hoan và cả những người thiếp phải nể phục.
Bên cạnh đó, khi Cao Hoan gặp khó khăn, Lâu Chiêu Quân cũng tham dự góp ý kiến, mưu đồ bí mật, giải vây cho chồng. Nhờ vậy, Cao Hoan như hổ mọc thêm cánh, liên tục tiêu diệt các thế lực đối địch, khống chế triều chính Bắc Ngụy hơn 16 năm. Tình cảm của Cao Hoan với Lâu Chiêu Quân cũng là vừa yêu vừa kính. Hai người có với nhau tới 8 người con, 6 nam, 2 nữ. Trong đó, 6 nam gồm Cao Trừng, Cao Dương, Cao Diễn, Cao Dục, Cao Trạm, Cao Tể.
Năm 547, Cao Hoan qua đời, con trai cả của Cao Hoan và Lâu Chiêu Quân là Cao Trừng kế thừa tước vương, tôn nàng làm Bột Hải Vương thái phi.
Năm 549, Cao Trừng bị ám sát, con trai thứ của Lâu Chiêu Quân là Cao Dương kế vị. Một năm sau, Cao Dương cướp ngôi Bắc Ngụy, lập ra Bắc Tề, hiệu là Văn Tương Đế. Lâu Chiêu Quân được tôn làm Hoàng Thái hậu, Cao Hoan được truy tôn là Thần Vũ Đế, Cao Trừng được truy tôn là Văn Tương Đế.
Thời gian đầu, Văn Tuyên Đế Cao Dương chăm lo việc nước, nghiêm khắc thực hiện cải cách, nhiều lần chinh phạt tứ phương, uy chấn thiên hạ, đánh bại người Nhu Nhiên, Đột Quyết, Khiết Đan...
Đáng tiếc, Văn Tuyên Đế Cao Dương sau khi kiến công lập quốc lại trở nên kiêu căng hống hách, miệt mài say sưa, liên tục cho xâu dựng các công trình rầm rộ, mất đi tín nhiệm. Sau, vì uống rượu quá nhiều, Văn Tuyên Đế Cao Dương chết bất đắc kỳ tử, năm ấy mới 34 tuổi.
Cao Ân là con trai cả của Cao Dương lên kế vị cha mình, thế nhưng Cao Ân tuy có phong độ quân vương nhưng tính tình sốc nổi, khiến nội bộ triều đình mâu thuẫn gay gắt, cuối cùng dẫn tới binh biến, đại thần trong triều phò tá Cao Diễn lên thay, hiệu là Hiếu Chiêu Đế.
Hiếu Chiêu Đế tại vị, văn hóa, giáo dục, kinh tế liên tiếp có thành tựu, đời sống dân sinh được cải thiện. Thế nhưng ngôi báu giành từ trong tay cháu trai, âu cũng là nghịch thiên, Hiếu Chiêu Đế không kéo dài được vinh quang bao lâu thì mắc bệnh nặng mà qua đời.
Trước khi qua đời, không muốn con trai mình rơi vào cảnh đường cùng giống như cháu ruột, Hiếu Chiêu Đế Cao Diễn trực tiếp truyền ngôi cho em trai là Cao Trạm, hiệu Võ Thành Đế.
Võ Thành Đế Cao Trạm so với những người an của mình tài năng kém vạn dặm, là một vị hôn quân không hơn không kém. Sau khi đăng cơ, Cao Trạm cả ngày sa vào mỹ sắc, không màng quốc sự để rồi vì tửu sắc quá độ mà kiệt sức, qua đời năm 32 tuổi.
Sinh 8 người con, 4 người làm hoàng đế, có thể nói Lâu Chiêu Châu xứng đáng được coi là mỹ nhân có số hưởng nhất thiên hạ. Bên cạnh đó, 2 người con trai khác của nàng là Cao Dục và Cao Tể lần lượt được phong là Cảnh Vương và Giản Vương cũng rất có chí khí, thế lực mạnh mẽ, không làm xấu cha hổ mẹ.
Thế nhưng chưa hết, Lâu Chiêu Quân còn có 2 con gái. Một người sau khi lớn lên trở thành Vĩnh Hi hoàng hậu, hoàng hậu của vua Bắc Ngụy Nguyên Tu, người còn lại là Thái Nguyên công chúa, sau thành hoàng hậu của Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế.
Như vậy, cả một đời mỹ nhân Lâu Chiêu Quân thực sự là truyền kỳ. Nàng chứng kiến tận mắt một vương triều quật khởi rồi hưng thịnh, trở thành người phụ nữ tôn quý nhất thiên hạ. Sau này, nàng lại từng bước nhìn thấy vương triều suy đồi không cách nào cứu vãn.
Có điều là, Lâu Chiêu Quân một đời mãn nguyện cũng có tiếc nuối khôn cùng, đó là tất cả những người con của nàng, không một ai sống quá 40 tuổi. Có lẽ, đây cũng chính là nỗi đau không thể tiêu tán trong sinh mệnh của vị mỹ nữ ngàn năm có một này.