Trong số những mỹ nhân được coi là "hồng nhan họa thủy" thời xưa, Chân Mật là một trong những người nổi tiếng nhất. Theo ghi chép, Chân Mật không chỉ là mỹ nữ bình thường, nàng nổi danh là một trong những đại mỹ nữ tài sắc vẹn toàn thời tam quốc, khiến bao người say mê.
Nhiều bản thoại ghi, Chân Mật từ nhỏ đã khác biệt, nổi trội hơn các anh chị em của mình. Nàng sở hữu khuôn mặt xinh đẹp, đường nét tinh tế lại cực kỳ thông minh, nhạy bén, có sự hứng thú vô bờ với thơ ca, văn phú.
Lớn lên, Chân Mật ngày càng lộ rõ dung mạo quốc sắc thiên hương của mình. Đồng thời, tài danh của nàng cũng vang xa, hấp dẫn vô số thanh niên tài giỏi, tuấn tú tới cửa cầu thân.
Đúng lúc đó, Hà Bắc bị Viên Thiệu chiếm cứ, con trai Viên Thiệu là Viên Hi nghe danh tiếng Chân Mật liền đoạt lấy nàng làm vợ.
Sau trận chiến Quan Độ, Viên Thiệu bị Tào Tháo đánh bại. Tào Phi là con trai Tào Tháo, khi đánh hạ Viên Thiệu, tràn vào dinh cơ của họ Viên, thời điểm nhìn thấy Chân Mật đã không khỏi bàng hoàng bởi nhan sắc lộng lẫy kiêu sa của nàng, liền nhất kiến chung tình, yêu luôn từ cái nhìn đầu tiên.
Không thể không thuận kẻ chiến thắng, Chân Mật trở thành vợ Tào Phi. Ghi chép cho thấy, sau khi được gả cho Tào Phi, Chân Mật vô cùng hiếu thuận, cửa lớn không ra, cửa hông không bước, rất biết cách quan tâm, chăm sóc nhà chồng. Cha mẹ chồng ốm đau, Chân Mật không quản ngày đêm trông nom, chiều chuộng. Em chồng có vấn đề gì, Chân Mật cũng luôn cố gắng chiếu cố, săn sóc. Có thể nói, nàng là mỹ nữ tài đức song toàn.
Cũng nhờ vậy, Chân Mật được Tào Phi sủng ái, sinh được một con trai là Tào Duệ. Sau đó, phu thê mặn nồng, còn có thêm một con gái gọi là Đông Hương công chúa.
Thế nhưng Chân Mật vốn là một tài nữ học rộng biết nhiều, cực kỳ hiểu chuyện. Nàng xinh đẹp có thừa lại nhận sủng ái lớn nhất song chưa bao giờ Chân Mật cậy sủng mà kiêu ngạo. Trong phủ Tào Phi có rất nhiều thiếp thất, đều lấy vì mục đích chính trị, hoặc số ít là do Tào Phi ưa thích mà nạp.
Chân Mật là chính thất phu nhân nhưng không hề ghen tị với những thiếp thất khác. Nàng đối với người được Tào Phi ủng ái hết sức hòa nhã, đối với những người bị ghẻ lạnh cũng khoan hồng đãi ngộ, thực sự là một mỹ nhân rộng lượng hiếm ai sánh bằng.
Những tưởng một mỹ nhân xinh đẹp tuyệt thế, kiến thức sâu rộng lại hiền lương thục đức sẽ có một kết quả mỹ mãn, nào ngờ kết cục lại bi thảm chỉ bởi vì một nữ nhân khác. Nữ nhân này gọi là Quách Quý tần.
Từ khi Quách Quý tần xuất hiện, Chân Mật càng ngày càng thất sủng, bị lạnh nhạt không ngừng.
Bị đối xử bất công nhiều lần, cuối cùng đại mỹ nữ Chân Mật cũng không nhịn nổi sự bi thương trong lòng, bèn đem mọi nỗi niềm của mình chuyển hóa thành áng thơ "Đường thượng hành", nội dung bài thơ rất tha thiết, thể hiện nỗi nhớ mong, tâm tình của một người vợ đối với chồng. Thế nhưng qua lời dèm pha, bài thơ lại bị xuyên tạc thành có nội dung lên án sự bạc tình bội nghĩa của Tào Phi. Rất nhanh sau đó, chuyện này bị đến tai Tào Phi.
Trong cơn giận dữ, Tào Phi phái người ban rượu độc cho Chân Mật, ép người vợ xinh đẹp, tài danh của mình phải chết. Không chỉ thế, Tào Phi còn đem Tào Duệ, con trai của Chân Mật cho Quách Quý tần nuôi dưỡng.
Sách "Hán Tấn xuân thu" cùng "Tư trị thông giám" còn viết, khi chết, đại mỹ nữ Chân Mật bị nhét đầy cám đầy mồm, rũ tóc che khuất mặt mới được mai táng, mục đích là để linh hồn bà không thoát được ra mà kêu oan.
Ngẫm lại chuyện xưa, nhiều người không khỏi rùng mình trước thủ đoạn và sự bạc bẽo của bậc đế vương thời cổ đại. Chân Mật vốn là một tuyệt thế mỹ nữ, tài mạo song toàn, cuối cùng lại ở thời loạn thế mà bỏ mạng oan uổng, kết thúc một đời hồng nhan trong sự bi thảm đến tột cùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.