Tìm đến tổ 11, làng Trung Kính Thượng, phường Trung Hoà, (Cầu Giấy, Hà Nội), hỏi đến chiếc giếng cổ quanh năm nước trong xanh mát lạnh thì ai ai cũng biết đến. Ngay cả những người dân từ tỉnh thành khác đến đây cũng biết đến sự tồn tại của chiếc giếng này.
Chiếc giếng cổ ngày nay đã được tôn tạo và được người dân sử dụng hàng ngày.
Giếng không chỉ có giá trị về mặt văn hoá, tinh thần, bề dày lịch sử mà còn có giá trị thực tiễn với đời sống hiện đại ngày nay khi quanh năm vẫn luôn đầy ắp những dòng nước trong xanh, mát lạnh cung cấp cho người dân quanh vùng.
Theo những người dân nơi đây cho biết, chiếc giếng cổ đã có từ hàng trăm năm trước, không ai trong làng còn biết rõ chiếc giếng cổ đã có chính xác từ bao giờ. Từ những bậc bô lão lớn tuổi nhất trong vùng cũng chỉ nhớ từ khi còn nhỏ giếng đã được mọi người trong làng sử dụng, sau nhiều lần tôn tạo thì tồn tại cho tới ngày nay.
Hàng ngày mọi người đi qua cần sử dụng nước đều ghé vào chiếc giếng cổ của làng.
Miệng giếng được tôn cao lên để đảm bảo an toàn.
Nước giếng quanh năm trong xanh mát lạnh.
Vẫn như hàng ngày, bà Trần Thị Liệu (65 tuổi), đang ra giếng làng mải miết kéo những xô nước mát lạnh từ dưới lòng giếng để sinh hoạt rửa rau, giặt quần áo.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Liệu cho biết, gia đình bà và nhiều hộ dân quanh khu vực vẫn đến lấy nước sinh hoạt hàng ngày tại đây. Hầu hết mọi sinh hoạt đều sử dụng nước tại chiếc giếng cổ của làng.
"Dù quanh vùng nước giếng khoan có đá vôi và có mùi khó chịu không thể dùng được thì giếng cổ này quanh năm đầy nước trong xanh mát lạnh nên chúng tôi vẫn sử dụng giếng hàng ngày. Mọi sinh hoạt của nhà tôi như rửa thực phẩm, giặt quần áo… đều ra đây dùng nước giếng cổ này", bà Liệu chia sẻ.
Giếng quanh năm không bao giờ cạn nước.
Người dân sử dụng nước giếng để rửa thực phẩm và giặt đồ hàng ngày.
Theo bà Liệu, trước đây giếng cổ không có miệng giếng và phần sân bao bọc xung quanh. Thời gian trôi đi, giếng được tôn tạo, xây miệng giếng cao để đảm bảo an toàn, quanh giếng cũng được đổ sân bê tông để đảm bảo vệ sinh cho mọi người sử dụng.
Tồn tại qua nhiều thăng trầm, ngày nay giếng cổ là một phần ký ức không thể thiếu của bao thế hệ nơi đây. Ngày nay, người dân quanh làng cũng dựng lên ban thờ để thường xuyên thắp nhang cầu may tại đây như một nét đẹp văn hoá.
Bà Liệu nhớ lại những thăng trầm, kỷ niệm bên chiếc giếng cổ của làng.
Nhiều hộ gia đình lắp ống dẫn nước về nhà sử dụng.
Đối với người dân nơi đây, chiếc giếng cổ không chỉ đơn thuần là giếng để mọi người lấy nước sử dụng hàng ngày mà còn là món ăn tinh thần, là ký ức, kỉ niệm của nhiều thế hệ đã sinh sống bao đời nay tại đây.
"Có đứa cháu cũng nên duyên vợ chồng từ cái giếng cổ này. Hồi trước có bà trong xóm hay ra giếng lấy nước để dùng, mỗi khi thịt con gà, con vịt là cũng lại ra đây ngồi làm rồi tâm sự với một anh trong xóm. Ấy thế mà sau này 2 người nên duyên vợ chồng. Mãi sau này tôi vẫn hay đùa là nhờ có cái giếng cổ mới lấy được nhau", bà Liệu cười nói.
Nhiều người đi làm về thường ghé qua tắm rửa như một thói quen.
Hàng ngày, người dân quanh khu vực mỗi khi đi qua có việc gì cần sử dụng đến nước đều ghé qua chiếc giếng cổ của làng để dùng. Mọi người không ai bảo ai, mỗi khi sinh hoạt sử dụng nước tại giếng đều tự giác dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh chung.
"Mỗi khi quanh khu vực mất nước, mọi người lại kéo nhau đến giếng cổ của làng để lấy nước về dùng, nước trong xanh đến độ mọi người dùng để pha trà vẫn có thể uống bình thường. Nhiều người lấy khiến nước trong giếng cạn xuống nhìn thấy rõ mạch nước phun ra thích mắt lắm", bà Liệu tâm sự.
Cũng nằm trong làng Trung Kính Thượng, cách chiếc giếng tại tổ 11 không xa, còn tồn tại một chiếc giếng cổ được người dân đánh giá là lâu đời nhất nơi đây.
Chiếc giếng được cho rằng cổ nhất vùng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đăng Liêm (68 tuổi) một người dân sinh sống nhiều đời tại làng cho biết, trước đây giếng vẫn đầy nước để người dân quanh vùng sử dụng nhưng ngày nay giếng đã không còn nước.
"Thời tôi còn trẻ giếng có ban thờ đến ngày nay giếng được tôn tạo thêm mái và tường bao quanh. Ngày nay do không còn được sử dụng nên miệng giếng cũng mới được tạo cửa đóng lại để đảm bảo an toàn. Còn về việc giếng đã có từ bao giờ thì may ra chỉ còn các cụ cao niên trong vùng mới có thể nắm rõ được", ông Liêm cho biết.
Ngày nay giếng đã không còn nước và được lắp cửa bịt miệng giếng lại để giữ gìn.
Trải qua nhiều đời dùng dây kéo nước, miệng giếng để lại những vết thời gian rõ nét trên đá.
Theo ông Nguyễn Bá Toàn (86 tuổi), một cao niên trong làng cho biết, theo các cụ đời trước truyền lại thì giếng có tuổi đời ít nhất từ thời lập Làng Kính Chủ, thời Hùng Vương, nay là Trung Kính Thượng thuộc phường Trung Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội).
"Thần phả của làng ghi lại thì thời đó có một vị tướng giỏi của vua Hùng Vương thứ 18, khi giặc đến, ông được vua sai đóng quân tại làng Kính Chủ. Tại đây, vị tướng đã lấy một người con gái trong làng làm vợ lẽ. Đến khi ông mất, người dân nơi đây đã lập dinh thờ tự vị tướng. Cái giếng cổ ngày nay có từ thời đó, gắn liền với bao thế hệ sinh sống lâu đời tại đây", ông Toàn chia sẻ.
Trải qua bao thế hệ, miệng giếng giờ đây vẫn in hằn những vết tích trên đá do người dân dùng dây kéo từng gầu nước qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm.
"Giờ tôi 86 tuổi, từ cái thời tôi mới lên 9 lên 10 tuổi thì giếng này vẫn được mọi người trong làng sử dụng hàng ngày. Trước đây giếng chỉ có cái bệ trống thiên, năm nào mọi người cũng cùng nhau khơi giếng để lấy nước sử dụng nhiều kỷ niệm lắm", ông Toàn nói.
Theo quan niệm xưa, nước nuôi dưỡng con người và sữa nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nên các cụ trồng cây hoa sữa bên giếng. Mới đây do cây cũng đã sâu bệnh nên được chặt bỏ.
Tục truyền rằng, những phụ nữ thiếu sữa nuôi con thì sắm lễ mang ra giếng cổ của làng làm lễ cầu xin. Sau đó, người mẹ bứt cành hoa sữa treo vào hai đầu đòn gánh rồi đem về treo tại nhà mình sau một thời gian sẽ có nhiều sữa cho con bú.
Ngày nay, những tục lệ đã không còn nhưng những ký ức và các giai thoại bên những chiếc giếng cổ vẫn còn lưu giữ mãi trong tâm thức của mỗi người dân nơi đây.