Dân Việt

Ninh Bình có thứ khoai lang 83 ăn ngon nhất vùng, dây khoai dỡ lên nung núc củ tròn như bắp tay

Hà Phương 27/05/2020 16:17 GMT+7
Khoai lang 83 là giống khoai được trồng ở thôn 83, xã Yên Thành, Yên Mô (Ninh Bình). Vì chất đất được thiên nhiên ưu đãi nên khoai lang 83 có tiếng là ngon nhất vùng. Khoai lang 83 ăn bở, chắc, có mùi thơm đặc trưng, ruột màu trắng ngà, ngoài vị ngọt còn có chút mặn đằm, rất dễ ăn mà lại không ngán.

Sở dĩ có tên gọi khoai lang 83 là do những người dân trong xã đi mở đất, khai hoang vào năm 1983. Vùng trồng khoai nằm khá tách biệt trên một khu đồi cao, ven hồ Yên Thắng, thuộc xã Yên Thành.

Ninh Bình có thứ khoai lang 83 ăn ngon nhất vùng, dây khoai dỡ lên nung núc củ tròn như bắp tay - Ảnh 1.

Người dân thôn 83, xã Yên Thành thu hoạch khoai lang.

Có dịp về Yên Thành vào những ngày nắng tháng 5, tôi được bác trưởng thôn 83 Vũ Văn Bàn dẫn khi thăm đồng đúng lúc bà con nơi đây đang tất bật thu hoạch khoai lang. Nhờ thời tiết ủng hộ, những củ khoai lang vừa to vừa đẹp được thương lái đến tận nơi thu mua. Bà con ai cũng phấn khởi vì khoai lang 83 được mùa, sai củ.

8 giờ sáng nhưng chị Lê Thị Mỳ đã dỡ gần xong ruộng khoai. Những dây khoai cuối cùng được nhấc lên, cả một chùm củ đeo theo, nung núc như bắp tay tròn lẳn và nhuộm lên vỏ màu đỏ bắt mắt.

Chị Mỳ phấn khởi khoe: Có nửa sào khoai lang nhưng gia đình đã thu được mấy triệu rồi. Nay dỡ nốt luống còn lại. Kinh nghiệm trồng khoai là làm luống to, bón lót nhiều phân chuồng. Đặc biệt, cần bổ sung phân kali ở những giai đoạn quan trọng. Chăm sóc đúng kỹ thuật nên khoai của gia đình luôn cho củ đều, to, ngon.

Ngoài ra, thu hoạch khoai cần chọn thời điểm nắng ráo để củ không bị thối, bảo quản được lâu. 

Chung vui với chị Mỳ, bác Trần Văn Rỡ cũng cho biết: Gia đình tôi gắn bó với cây khoai lang từ ngày mới chuyển ra đây lập thôn. Đây là loại cây dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh. Giống được sử dụng từ chính dây khoai lang của vụ trước, nên không cần mua. 1 sào khoai cho năng suất trung bình từ 5-6 tạ củ. Với giá bán 8-10 nghìn đồng/1kg, bà con thu lãi 4-5 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Anh Nguyễn Văn Thanh, tiểu thương buôn khoai lang, cho hay: Tôi buôn khoai lang Yên Thành được gần 4 năm. Mỗi khi chạy xe xuống đổ hàng ở Tam Điệp, khách hàng rất ưa thích loại khoai 83 này dù giá cao hơn 2-3 nghìn đồng/kg. Cả năm mới có một vụ mà thời gian thu hoạch lại rất ngắn nên để "xí phần", tôi thường đặt cọc tiền từ trước khi thu hoạch.

Được biết, giống khoai lang trồng ở thôn 83 một năm chỉ trồng được 1 vụ. Thông thường nông dân xuống giống khoai vào tháng 11 của năm trước và thu hoạch vào tháng 5 năm sau, sau đó họ sẽ trồng gối 1 vụ lúa nếp.

Bác Bàn, trưởng thôn 83 tự hào giới thiệu thêm về thứ đặc sản của thôn: Nếu là khoai lang bình thường nơi khác không cần phải nói, nhưng đây là loại khoai đặc biệt. Riêng thời gian trồng đến thu hoạch đã khác những nơi khác. Thay vì 4 tháng thì khoai ở đây phải trồng những 6 tháng. Kéo dài từ mùa đông qua mùa xuân và sang đến tận đầu hè mới được thu hoạch nên củ rất già.

Ngoài ra, phải kể đến chất đất. Cả thôn chỉ có vỏn vẹn 9 mẫu 3 sào trồng được sản phẩm dạng hảo hạng như vậy. Đất đồng cạn, pha sỏi, rắn nên củ khoai vùng này có các khía nhỏ trên bề mặt, thậm chí chia múi chứ không được nhẵn bóng. Cũng cùng loại dây khoai lang này, nhưng các thôn khác trong xã lấy về trồng, chất lượng khoai không thể nào sánh bằng.

Chính vì chất đất với phương thức canh tác đặc biệt nên chất lượng khoai lang thôn 83 ngon hơn bất cứ loại khoai lang nào trên thị trường. Ngon, diện tích ít nên nông dân ở đây hầu như không phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm. Thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, sản phẩm không hề có chuyện sử dụng các hóa chất để bảo quản nên người tiêu dùng rất thích.

Ngày nay, tuy vật chất dồi dào no đủ, nhưng khoai lang vẫn còn là một món ăn, một thứ quà quê mà nhiều người yêu thích. Thiết nghĩ, với những đặc tính nổi trội hiếm có của khoai lang thôn 83, Yên Thành, thời gian tới rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để quảng bá, bảo tồn, gìn giữ, xây dựng thương hiệu, nâng tầm sản phẩm, đưa lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân.