Bộ NNPTNT nhận định, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.
Gần 4.000 con lợn phải tiêu hủy
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk cho biết, trên địa bàn vừa tái phát 1 ổ DTLCP tại một hộ dân thuộc thôn 1 (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin).
Trước đó, đàn lợn gồm 17 con có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, tiêu chảy, có con bị chết… Cán bộ thú y huyện Cư Kuin đã lấy mẫu gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để chuyển Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm. Kết quả dương tính với virus DTLCP. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số lợn trên theo đúng quy định. Đáng chú ý, đầu năm 2020, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện một ổ dịch, nay bị lại.
Bộ NNPTNT cũng yêu cầu tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh.
Hiện toàn tỉnh Đăk Lăk có hơn 815.000 con lợn. Năm 2019, DTLCP xuất hiện làm 55.000 con chết, phải tiêu hủy; phải chi gần 100 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ người nuôi lợn bị dịch và lực lượng tham gia chống dịch.
Tương tự, tại tỉnh Ninh Bình mới đây DTLCP đã tái xuất hiện ở thôn Lộc, xã Yên Thành (huyện Yên Mô). Dịch bệnh xuất hiện trên 1 con lợn nái của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong thôn. Được biết, cả thôn Lộc chỉ có 2 hộ nuôi lợn, do đó mầm bệnh có thể lây lan từ bên ngoài qua hoạt động của con người tiếp xúc với mầm bệnh, làm lây nhiễm vào thức ăn, nước uống, từ đó phát sinh bệnh dịch.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Bình đã đề nghị các trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác khử trùng, kết hợp với việc thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi và nhân dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống DTLCP.
Khi lợn có triệu chứng bị bệnh, phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời. Thực hiện tốt "5 không" trong công tác phòng chống dịch (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt lợn chết ra môi trường).
Yêu cầu tăng kiểm soát dịch bệnh
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát, có dấu hiệu diễn biến phức tạp, ngày 26/5 Bộ NNPTNT đã có công văn gửi UBND các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội yêu cầu tập trung kiểm soát bệnh DTLCP tái phát, lây lan diện rộng.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y và các đơn vị liên quan đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch. Kết quả cho thấy có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh tái phát, lây lan.
Nguyên nhân đầu tiên là sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn, nhưng mua lợn giống từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái, không rõ nguồn gốc. Thực tế là các ổ dịch chủ yếu tái phát, xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện và không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học.
Khi lợn có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh, người dân không báo để lấy mẫu xét nghiệm, thậm chí có hộ còn bán chạy, giết mổ lợn để tiêu thụ, không xử lý chất thải, nước thải, xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh.
Một nguyên nhân nữa, là do thiếu lực lượng thú y tuyến huyện, xã, thôn, bản nên không có người tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện, báo cáo...
Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, bất cập nêu trên, nhất là trong bối cảnh người dân đang ồ ạt tái đàn khi giá lợn hơi đang tăng cao, Bộ NNPTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo Sở NNPTNT thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương có ổ bệnh DTLCP (chưa qua 30 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan. Khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y.