Không chỉ giỏi chế tạo ra hàng chục loại máy nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Hoàn còn là chủ của 2ha chè, 3ha rừng và cây ăn quả. Mỗi năm ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ làm vườn.
Hàng chục sáng chế ra đời
Ngôi nhà của ông Hoàn nằm ở cuối thôn Tiền Phong, bao quanh là những đồi chè xanh mướt, kéo dài tận chân núi. Ông Hoàn kể, sau khi công ty chè giải thể, ông quyết định nhận 12ha chè để phục hồi, cải tạo. Những ngày đầu, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn khi tiền vốn không có, đất đai thì cằn cỗi, cây chè sau khai thác nhiều năm đã bị "suy dinh dưỡng", sụt giảm năng suất.
Với những thành quả đạt được trong lao động, sản xuất, ông Nguyễn Văn Hoàn đã được nhiều cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng, như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng hội viên nông dân xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước từ năm 2005 đến 2009; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho sáng chế "Lưỡi dao máy đốn chè hình chữ S" góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam (năm 2016); 2 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội Nông dân và phong trào nông dân điển hình tiên tiến, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2005 và 2009.
"Gắn bó với cây chè nhiều năm, tôi nhận thấy việc sản xuất chè gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc diệt trừ sâu bệnh cho chè. Cây chè là cây có nhiều sâu bệnh nên việc phun thuốc cho chè vừa ảnh hưởng tới sức khỏe người chăm sóc, mà chất lượng chè cũng kém" - ông Hoàn nói.
Ông Hoàn chia sẻ phóng viên Báo NTNN, thời điểm năm 2010, gia đình ông và bà con trong xã chuyển đổi sản xuất chè đại trà sang làm chè sạch, đặc sản.
Để sản xuất ra những sản phẩm chè sạch, đòi hỏi người nông dân tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, toàn bộ khâu chăm sóc, thu hái phải làm thủ công. Trong đó, việc bắt sâu hại trên cây chè bằng tay là công việc tốn nhiều thời gian và công sức nhất nhưng hiệu quả không cao.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, để việc chăm sóc chè của gia đình được giảm gánh nặng, cũng như tăng năng suất cho chè, dù chưa từng học qua lớp đào tạo về chế tạo cơ khí nhưng qua quá trình lao động sản xuất, ông Hoàn đã mày mò chế tạo thành công chiếc máy hút sâu chè vào năm 2010.
Nói về chiếc máy đầu tiên này, ông Hoàn vui vẻ cho hay: "Cũng nhiều lần thất bại lắm. Tôi đem ra thử đi thử lại, chẳng những không hút được sâu mà còn nát hết cả búp chè. Không chịu từ bỏ, với kiên trì của mình, tôi đã tìm tòi, học hỏi, cuối cùng sản phẩm máy hút sâu chè cũng ra đời".
Theo đó, chiếc máy này không chỉ hút được các loại sâu hại như rầy xanh, bọ xít muỗi, sâu ăn lá... trên cây chè mà còn có thể áp dụng trong canh tác rau sạch. Thấy được hiệu quả của chiếc máy hút sâu do ông Hoàn chế tạo, nhiều người trong tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh khác đã tìm đến đặt mua.
Ngoài chế tạo thành công máy hút sâu, ông Hoàn còn chế tạo, cải tiến nhiều loại máy móc nông nghiệp khác để phục vụ sản xuất của gia đình như: Máy bón phân tra hạt, máy nhổ sắn, máy làm cỏ, máy khoan lỗ trồng cây, máy cấy lúa, máy cắt chè…
Trong đó đáng chú ý nhất là máy gieo hạt tích hợp "4 trong 1": Gieo hạt, đánh rạch, lấp rạch và bón phân. Với việc cải tiến, sáng chế ra hàng chục máy móc phục vụ nông nghiệp, người dân ở xã Phú Lâm thường gọi ông là "nhà sáng chế chân đất", hay "kỹ sư nông dân".
Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp
Trong căn nhà nhỏ trên đỉnh đồi chè, có một góc nhỏ ngổn ngang sắt thép, que hàn điện, ống nhựa, động cơ xe máy… Ông Hoàn vui vẻ cho biết: "Đây là không gian để tôi cho ra đời những dụng cụ chẳng giống ai. Ấy thế mà lại hiệu quả lắm!".
Không chỉ say mê, sáng tạo trong chế tạo, cải tiến máy móc, ông Hoàn còn được biết đến là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh. Hiện, gia đình ông trồng hơn 2ha chè, 6ha keo, mía và cây ăn quả như cam, bưởi trên đất đồi… cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Ông Hoàn chia sẻ, những sáng chế của ông đều xuất phát để phục vụ làm nông nghiệp của gia đình. Tuy nhiên sau khi thấy chúng có hiệu quả cao nên nhiều người dân biết đến và đặt hàng máy nông nghiệp do ông cải tiến, sáng tạo.
"Ngày trước gia đình tôi thường có 20 lao động làm việc. Nhưng từ khi tôi sáng chế, cải tiến nhiều máy móc thì hiện chỉ còn vài lao động, mọi việc đều đã được máy móc thay thế" - ông Hoàn nói.
Đầu năm 2018, ông đã khiến nhiều người "mắt tròn mắt dẹt" khi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động trên 3ha chè với chi phí lắp đặt khoảng 50 triệu đồng/ha. Hệ thống giàn tưới được ông Hoàn đặt dưới đất với các vòi phun nước khắp đồi chè để đảm bảo cây chè nào cũng được tưới đều. Hiện tại, năng suất chè của gia đình ông đạt trung bình 25 tấn/ha/năm. Từ mô hình trang trại tổng hợp, ông Nguyễn Văn Hoàn đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.