Dân Việt

Lai Châu: Bắt ong rừng hung dữ về nuôi, không tốn công chăm mà mật vẫn chảy đều

Thanh Ngân 28/05/2020 06:36 GMT+7
Vào rừng bắt ong hoang dã hung dữ về nuôi, không tốn chút công chăm sóc là mấy mà nhiều hộ dân ở tỉnh Lai Châu vắt mật ong rừng đều đều và có thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Lâu nay, người dân ở xã vùng cao Hố Mít (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) đã quen với nghề nuôi ong rừng lấy mật. Gọi là nuôi cho có nghề, chứ thực ra người dân nơi đây chỉ mất chút công vào rừng bắt ong, làm thùng cho chúng ở, còn kiếm ăn, làm mật là việc của đàn ong.

Bắt ong rừng về nuôi, không tốn công chăm sóc mà rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 1.

Anh Giàng A Phình là một trong những người nuôi nhiều đàn ong rừng lấy mật ở xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Anh Giàng A Phình, dân bản Suối Lĩnh A, là một trong những người có thâm niên với nghề nuôi ong rừng lấy mật ở xã Hố Mít.

Anh Phình bắt đầu nuôi ong rừng lấy mật từ năm 2006. Lúc đầu, anh Phình chỉ nuôi 3 đàn ong. Sau một thời gian, nhận thấy cách làm này cũng khá hiệu quả nên mỗi năm anh lại bắt thêm vài đàn ong rừng về nuôi. Vài năm trở lại đây, anh Phình duy trì từ 50 – 60 đàn ong rừng.

Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Phình cho biết: "Ong rừng vốn hoang dã, tính hung dữ hơn ong nhà đã thuần. Tính thế, nhưng bắt ong không khó mà khó ở chỗ là làm thế nào để cả đàn ong ở lại mà không bay đi...".

Theo anh Phình, cách bắt ong mà người dân xã Hố Mít thường sử dụng đó là bắt ong soi hoặc bắt cả đàn ong, trong đó bắt buộc phải tìm, tóm bằng được con ong chúa. Vì nếu không có ong chúa thì ong thợ sẽ không ở lại tổ...

Bắt ong rừng về nuôi, không tốn công chăm sóc mà rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 2.

Theo anh Phình, nuôi ong rừng, anh thường cắt cả sáp mật ong để bán cho khách hàng.

"Nếu không phải là người trong nghề thì rất khó phát hiện ra ong soi. Bắt được ong soi thì coi như có được cả đàn ong. Ong soi có nhiệm vụ đi tìm tổ, nó bay khắp nơi để tìm kiếm. Khi tìm được điểm thích hợp để làm tổ, nó sẽ bay về báo cho cả đàn và bay trước để dẫn đường...", anh Phình tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Theo anh Phình, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể nhận biết được con ong nào là ong soi, ong nào là ong thợ. Sau nhiều ngày lân la học hỏi, theo chân người dân trong bản vào rừng bắt ong, anh mới nhận biết được đặc điểm của ong soi. So với ong thợ thì ong soi khi kêu phát ra âm thanh to hơn.

Anh Phình thường dùng túi nilon để bắt ong soi. Sau khi bắt được ong soi, anh nhốt nó vào thùng gỗ. Nếu ong soi thích thì nó sẽ gọi cả đàn về xây tổ, làm mật ở trong đó.

Bắt ong rừng về nuôi, không tốn công chăm sóc mà rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 3.

Nhiều người đến tận nhà anh Phình để mua mật ong về sử dụng.

Chỉ tay vào những thùng nuôi ong, đậy kín nắp, đặt xung quanh nhà, anh Phình cho hay: "Trước đây, tôi và người dân xã Hố Mít chủ yếu đục thân cây gỗ để làm tổ cho ong ở, chứ không biết làm thùng gỗ để nuôi ong như bây giờ. Mấy năm gần đây, người dân xã Hố Mít mới biết đến và sử dụng thùng gỗ để nuôi ong...".

Nuôi ong trong thùng gỗ hiệu quả hơn nhiều so với nuôi trong thân cây gỗ đã đục rỗng. Thùng gỗ rộng hơn, phù hợp cho đàn ong sinh trưởng và phát triển đông quân hơn, làm ra nhiều mật ong rừng hơn. 

"Trước đây, tôi và người dân trong xã chủ yếu làm tổ cho ong ở ngay trong rừng. Thời gian gần đây, nhiều người đã mang thùng ong về đặt ở vườn nhà. Hiện tôi có hơn 50 đàn ong, tương ứng với 50 thùng ong. Tôi vừa để thùng ong trên rừng vừa đặt ở vườn nhà", anh Phình giải thích.

Theo anh Phình, nuôi ong rừng lấy mật theo cách làm của anh và người dân xã Hố Mít không chỉ nhàn nhã mà hiệu quả kinh tế cũng khá cao.

Bắt ong rừng về nuôi, không tốn công chăm sóc mà rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 4.

Mỗi năm, anh Phình nhẹ nhàng bỏ túi hơn 100 triệu đồng từ bán mật ong rừng ra thị trường.

"Ngoài việc bỏ tiền mua thùng gỗ và mất chút công sức vào rừng bắt ong, gia đình tôi cũng như nhiều hộ nuôi ong khác ở trong bản, trong xã hầu như không phải chăm sóc, cho ong ăn uống gì cả. Đàn ong phát triển một cách tự nhiên nên chất lượng mật ong rừng rất tốt, được nhiều người tin tưởng, mua về sử dụng" – anh Phình thông tin thêm.

Với hơn 50 đàn ong nuôi cả ở vườn nhà và nuôi ở trên rừng, đều đặn hàng năm cứ từ tháng 1 đến tháng 3, anh Phình lại thu mật ong bán ra thị trường. Mỗi tháng anh lấy mật 2 lần, lượng mật ong rừng mỗi lần lấy dao động từ 2 – 6kg mật cả sáp. Lượng mật ong rừng nhiều hay ít phụ thuộc vào đàn ong đông quân hay ít quân.

 Mỗi năm, anh Phình bán ra thị trường hơn 7 tạ mật ong rừng, với giá bình quân là 150.000 đồng/kg, anh Phình thu hơn 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Sơn, cán bộ xã Hố Mít, cho biết: "Toàn xã Hố Mít có hơn 300 gia đình nuôi ong rừng lấy mật, với tổng số hơn 1250 tổ (đàn ong – PV). Nhờ nuôi ong rừng lấy mật mà nhiều hộ dân trong xã có "của ăn, của để". 

Sắp tới, xã Hố Mít sẽ vận động các hộ nuôi ong thành lập tổ hợp tác. Tổ hợp tác này làm đầu mối thu mua, cung cấp mật ong ra thị trường, thúc đẩy nghề nuôi ong rừng lấy mật trong xã ngày càng phát triển".

Anh Nguyễn Văn Sơn