Cụ thể, công ty năng lượng EDF của Pháp hôm 27/5 vừa đệ trình kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tiếp theo tại Suffolk, nước Anh. EDF dự định hợp tác với công ty năng lượng quốc doanh Trung Quốc là Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) để thực hiện dự án này. Trước đó, 2 công ty này đã hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở Somerset (Anh). CGN đã tài trợ 1/3 chi phí xây dựng trong tổng số 20 tỷ bảng chi phí.
Tuy nhiên, vào năm 2016, CGN bị chính phủ Mỹ cáo buộc vì tham gia vào hoạt động gián điệp có từ những năm 1990 để đánh cắp công nghệ của Mỹ - một cáo buộc mà CGN phủ nhận.
Năm ngoái, chính quyền Trump đã đưa công ty này vào danh sách thực thể bị trừng phạt theo đó cấm các công ty Mỹ làm ăn với CGN.
Trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng trong giới chính khách Anh về quyền sở hữu tài sản chiến lược quốc gia của Trung Quốc, các nghị sĩ cấp cao đã thúc giục Thủ tướng Boris Johnson sửa chữa chính sách năng lượng của đất nước để tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Iain Duncan-Smith đã cảnh báo nhà máy điện này là "Huwaei tiếp theo" và sẽ làm tăng sự phụ thuộc của Anh vào Trung Quốc.
"Với Huawei, với Sizewell C, từng cái một sẽ cho thấy quy mô phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc và chúng ta cuối cùng phải giải quyết vấn đề. Tôi nghĩ rằng toàn bộ chính sách năng lượng của chúng ta cần được xem xét lại liên quan dến vấn đề của chúng ta với Trung Quốc", ông Duncan-Smith nói.
Tuyên bố của ông Duncan-Smith đã nhận được sự ủng hộ từ một nghị sĩ khác là Bob Seely.
Ông Seely từng là một phần của một nhóm nghị sĩ phản đối sự tham gia của gã khổng lồ công nghệ Huawei vào hệ thống mạng 5G của Vương quốc Anh.
Ông cảnh báo rằng Vương quốc Anh có thể sẽ hối tiếc nếu ngày càng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng do Trung Quốc xây dựng.
Ông Seely nhấn mạnh, chính phủ cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng về cách thức Anh và liên minh phương Tây tương tác với Trung Quốc trước khi đưa ra những quyết định quan trọng.