Cụ thể, Trung Quốc đã đưa hơn 5.000 binh sĩ đến khu vực biên giới Ladakh. Không chỉ triển khai quân ở khu vực nhạy cảm dọc biên giới phía Đông Ladakh, Trung Quốc còn dựng lều, đưa xe và máy móc hạng nặng đến khu vực biên giới hai nước. Trong khi đó, quân đội Ấn Độ cũng điều một số tiểu đoàn từ sư đoàn bộ binh đóng tại thành phố Ladakh đến khu vực biên giới.
Trước đó, vào đầu tháng này, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại vùng biên giới xa xôi này đã để xảy ra các đụng độ với nhau tại hồ Pangong khiến hơn 100 người bị thương.
Cụ thể, hôm 5/5, hàng trăm binh sĩ hai nước đã đụng độ gần hồ Pangong, phía Đông Ladakh. Sau đó, khoảng 150 binh sĩ hai bên cũng tham gia một vụ xung đột khác ở đèo Naku La tại Bắc Sikkim vào ngày 9/5. Theo Guardian, hơn 100 binh sĩ của cả hai bên bị thương trong các vụ đụng độ.
Trung Quốc cáo buộc quân đội Ấn Độ đã vượt qua ranh giới Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh và di chuyển dọc theo con đường dọc theo hồ do Bắc Kinh xây dựng vào phần lãnh thổ Trung Quốc kiểm soát, khiến nước này phải tiến hành xua đuổi. Tuy nhiên, Ấn Độ bác bỏ và nói chính quân đội Trung Quốc đã cản trở các hoạt động tuần tra của người Ấn Độ ở trong lãnh thổ của họ.
Một câu hỏi đặt ra là điều gì đã thúc đẩy các cuộc đụng độ ở độ cao hơn 4000m, nơi các phần biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ không rõ ràng. Thông thường, cả hai nước chỉ triển khai binh lính tuần tra khu vực và rút lui trong hòa bình.
Tanvi Madan, một chuyên gia về quan hệ Trung-Ấn tại Viện Brookings phân tích, tranh chấp gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ dường như tập trung vào việc New Delhi vừa xây dựng một con đường lớn trong thung lũng Galwan chạy gần song song với Đường kiểm soát thực tế LAC.
"Trung Quốc không hài lòng về việc con đường này đã hoàn thành và khánh thành vào tháng 10/2019, bởi vì về cơ bản nó sẽ cho phép Ấn Độ hiện diện mạnh mẽ hơn trong toàn bộ khu vực đó", ông Madan nói.
Tuy nhiên, theo SMH, biên giới phía tây xa xôi không phải là nơi duy nhất Trung Quốc đang phô trương "cơ bắp" những ngày này.
Các tàu giám sát hàng hải Trung Quốc đã đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam và đối đầu với một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia ở Biển Đông trong những tuần gần đây.
Hải quân Trung Quốc cũng điều tàu sân bay đi qua eo biển Đài Loan 2 lần vào tháng trước khiến hòn đảo phải gióng chuông cảnh giác.
Bắc Kinh trong tuần này giới thiệu một dự luật an ninh quốc gia mới đối với Hong Kong, được cho là sẽ tước đi quyền tự trị còn lại của thành phố.
"Cho dù là trên Biển Đông hay dọc biên giới với Ấn Độ, chúng ta tiếp tục thấy những hành động khiêu khích của Trung Quốc đặt ra câu hỏi về cách Trung Quốc sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của họ", bà Alice Wells, một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Nam Á bình luận tuần trước.
Đại dịch Covid-19 cũng được cho là một yếu tố khác thúc đẩy các hành vi gây hấn của Trung Quốc.
Một báo cáo của Ủy ban đánh giá về kinh tế và an ninh Mỹ-Trung trong tháng này cho thấy Bắc Kinh đang lợi dụng việc thế giới bị "phân tâm" bởi đại dịch.
"Trung Quốc có lẽ đang lo lắng về việc bị coi là đang suy yếu vì Covid-19 và đang quyết tâm tăng gấp đôi các yêu sách chủ quyền của họ trong khi thế giới đang bận tâm đến chuyện khác", M Taylor Fravel, giám đốc nghiên cứu chương trình bảo mật tại Viện Công nghệ Massachusetts bình luận.