Dân Việt

Động lực sau lá đơn xin thoát nghèo

Chang Liễu 29/05/2020 06:30 GMT+7
Thay vì trông chờ vào những sự giúp đỡ của cộng đồng hay sự hỗ trợ của Nhà nước, 3 hộ dân ở tỉnh miền núi thuộc huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã làm đơn xin thoát nghèo, nhường lại những sự hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn. Điều này tạo nên làn gió mới cho công cuộc giảm nghèo nơi đây.

Những lá đơn xin thoát nghèo

Ở huyện miền núi Chi Lăng gần đây đã xuất hiện những lá đơn tự nguyện với những chữ viết tay nguệch ngoạc "xin để được thoát nghèo". 

Chị Nguyễn Thị Phương (thôn Trung Mai, thị trấn Chi Lăng)- hộ dân đầu tiên có lá đơn xin thoát nghèo gửi lên chính quyền, cho biết: "Trong nhà tôi có bố mẹ, vợ chồng tôi và 3 đứa con nhỏ. Vợ chồng tôi đều làm nông. Hồi mới cưới nhau, cuộc sống cũng rất vất vả, từ năm 2016 gia đình tôi thuộc hộ nghèo, năm 2018 thuộc diện cận nghèo. Hiện tại cuộc sống của gia đình cũng chẳng phải dư giả gì, nói chung là đủ ăn đủ mặc. Vợ chồng tôi nghĩ, mình còn trẻ, khỏe, đất đai không thiếu nên nếu chăm chỉ sẽ có thu nhập ổn định. Xã hội còn nhiều nhà vất vả hơn mình nên tôi quyết định viết đơn ra khỏi hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ cho người khác khó khăn hơn".

Động lực sau lá đơn xin thoát nghèo  - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Phương đang tất bật với công việc thụ phấn cho vườn na mang lại thu nhập chính cho gia đình. Ảnh:Chang Liễu

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lương Khánh Thị - Bí thư Chi bộ thôn Trung Mai cho biết: Thôn Trung Mai có 93 hộ dân với 85% người dân làm nông nghiệp chủ yếu là trồng na với diện tích trên 59ha, và hơn 16ha vải thiều. Hiện trên địa bàn thôn còn có 3 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo đang cố gắng thoát nghèo. Việc gia đình chị Phương - anh Hoàn có đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ cận nghèo rất đáng hoan nghênh, bởi không phải ai cũng suy nghĩ và làm được như thế. 

Thực tế nhiều hộ dân còn nặng tư tưởng trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Ở địa phương, vợ chồng chị Phương cũng rất nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động chung, còn trẻ, có sức khỏe nên chăm chỉ làm ăn, lao động để vươn lên thoát nghèo.

Cũng giống như gia đình chị Phương, ông Lương Văn Tròn (thôn Làng Vặc, thị trấn Chi Lăng) cho biết: Gia đình ông có 4 nhân khẩu, hiện đang là hộ cận nghèo. 

"Năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến người nông dân chúng tôi nhưng tôi tự nhận thấy gia đình có thể tự lo được cho cuộc sống, có mức thu nhập trên chuẩn mức quy định cận nghèo. Gia đình tôi có đơn gửi UBND thị trấn cho gia đình tôi xin thoát hộ cận nghèo để nhường sự hỗ trợ đó của Nhà nước cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn".

Xóa tư tưởng ỷ lại, trông chờ

Chính sách hỗ trợ người nghèo đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm nghèo ở nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một bộ phận người nghèo lại nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại những sự hỗ trợ, chưa có ý thức vươn lên. Bởi vậy, việc các hộ dân thuộc thị trấn Chi Lăng mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo đã thực sự tạo nên luồng gió mới cho nơi đây.

Động lực sau lá đơn xin thoát nghèo  - Ảnh 2.

Đơn xin thoát nghèo của gia đình anh Hoàn - chị Phương.

Ông Hoàng Văn Éng - Bí thư Đảng ủy thị trấn Chi Lăng cho biết: Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, Ban chỉ đạo giảm nghèo của thị trấn cũng đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, công trình thủy lợi, ưu tiên làm đường giao thông. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho việc đi lại mà nông sản bà con làm ra cũng tiêu thụ thuận lợi, được giá hơn.

3 lá đơn đầu tiên xin ra khỏi hộ nghèo của đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Chi Lăng có thể xem như "kỳ tích" và "luồng gió mát" thổi vào công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Những gia đình viết đơn xin thoát nghèo không hẳn vì họ đã khá giả mà chứng tỏ đồng bào đã bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ tiêu chí nâng cao thu nhập, xã quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên, canh tác của địa phương. 

"Việc người dân tự nguyện xin thoát nghèo là một việc làm cho thấy người dân đã thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có ý chí vươn lên. Sau khi nhận được đơn của người dân, Đảng ủy, chính quyền thị trấn sẽ tiến hành đến tận gia đình xem xét, thẩm tra lại mức sống, thu nhập của các hộ gia đình rồi mới thể theo nguyện vọng xin thoát nghèo của bà con" - ông Éng nói.

Ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Lăng chia sẻ: Sự thay đổi nhận thức và tư tưởng của người dân không tự nhiên mà có, đó là sự nỗ lực hành động của cả cấp ủy, chính quyền và của cả người dân. Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, ngoài các khoản hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương đã vận động, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân phát triển sản xuất kinh tế để thoát nghèo.

"Công cuộc xóa đói giảm nghèo đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó, điểm mấu chốt là người nghèo phải có quyết tâm, tự thân thực sự muốn thoát nghèo" - ông Tuấn nhìn nhận.