Dân Việt

Nuôi con đẻ một lần rồi chết, gà, cá ăn vào lớn nhanh như thổi

Nguyễn Duyên 29/05/2020 19:15 GMT+7
Nuôi loài ruồi lính đen dùng để làm thức ăn cho đàn cá, đàn ba ba trong ao-Đó là cách làm hiệu quả kinh tế cao của vợ chồng anh Phan Xuân Hải, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)

Lao đao vì chăn nuôi lợn

Anh Phan Xuân Hải đã có 5 năm chăn nuôi lợn, nguồn kinh phí cho thức ăn quá lớn. Khi dịch tả lợn châu Phi đi qua, lợn chết, nợ nần chồng chất, chuồng trại bỏ không.

Anh Phan Xuân Hải từng được biết đến là hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn có hiệu quả tại Hà Tĩnh. Nhưng thiên tai, dịch bệnh, lợn chết khiến vợ chồng rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Nuôi con đẻ một lần rồi chết, không lo tốn tiền mua thức ăn cho chăn nuôi - Ảnh 1.

Con ruồi lính đen bén duyên với anh Hải sau dịch tả lợn châu phi.

Năm 2005, vợ chồng anh Phan Xuân Hải (Sn 1964, trú tại thôn Bắc Thành, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) thuê lại vùng đất hoang của xã để đầu tư phát triển trang trại. 

Với diện tích 3,1 ha nhận thầu, anh chị đào ao thả cá, nuôi ba ba, ếch… nhưng hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí lỗ. Năm 2015, anh chị xây hệ thống chuồng trại để nuôi lợn sinh sản và lợn thịt.

Năm 2017, một trận bão lớn khiến trang trại bị sập, làm lợn chết hàng loạt. Năm đó, vợ chồng anh cũng thiệt hại tiền tỷ. Vừa vực lại đàn, năm 2019 lại gặp ngay dịch tả lợn châu Phi đã khiến đàn lợn cả ngàn con bị chết.

Thời điểm năm 2019, trang trại của anh chị có 220 con lợn nái và hơn 1.000 con lợn thịt. Dịch tả lợn châu Phi đi qua, trại lợn chỉ còn sót lại 13 con gầy gò ốm yếu. Nuôi lợn chưa được đồng lãi nào thì nay lâm vào cảnh nợ nần chồng chất...

Nuôi con đẻ một lần rồi chết, không lo tốn tiền mua thức ăn cho chăn nuôi - Ảnh 2.

Những chuồng nuôi lợn nay được sử dụng để nuôi ấu trùng ruồi lính đen.

"Lúc đó, nhìn những con lợn nái cả tạ chết vì dịch bệnh, vợ chồng tôi mất phương hướng. Chồng tôi mỗi sáng ra chuồng nhìn thấy lợn chết lại bị ngất, mọi người phải đưa vào nhà sơ cứu. Gia đình lại bỏ tiền thuê người đi tiêu hủy lợn chết" - chị Nga  (vợ anh Hải) nhớ lại.

Lợn chết, vợ chồng anh Hải đang đau đầu với các khoản nợ đầu tư cho chăn nuôi khoảng 5 tỷ đồng chưa biết làm cách nào để trả.  

Bén duyên với ruồi lính đen.

Thời điểm dịch tả lợn châu Phi đi qua, gia đình tôi kiệt quệ cả về kinh tế lẫn sức khỏe. Lợn chết, chuồng trại bỏ không, trong lúc đó các đại lý phân phối thức ăn thì đến đòi nợ. Vợ chồng trằn trọc suy nghĩ để vực lại chăn nuôi. Sau hai tháng tìm tòi, suy nghĩ, vợ chồng anh chị quyết định nuôi ruồi lính đen.

Nuôi con đẻ một lần rồi chết, không lo tốn tiền mua thức ăn cho chăn nuôi - Ảnh 3.

Sau thất bại với lứa trúng đầu, đến lứa trứng thứ hai anh Hải đã thành công.

Trao đổi với Báo điện tử DANVIET.VN, anh Hải cho biết: Hai tháng trời vợ chồng gần như thức trắng đêm, khi lên mạng tìm hiểu, thấy hiệu quả của con ruồi lính đen này trong chăn nuôi nên hai vợ chồng thống nhất bắt tay vào làm. 

"Vừa ăn tết nguyên đán xong, tôi đặt 2 gam trứng ruồi từ trong nam về ươm thử, nhưng do thời tiết quá lạnh cùng với chưa có kinh nghiệm nên trứng bị hỏng hết. Tôi mua tiếp 3 gam, lần này mình chú ý đến quá trình ươm nên trứng nở hết và phát triển đến tận bây giờ...", anh Hải chia sẻ.

Nuôi con đẻ một lần rồi chết, không lo tốn tiền mua thức ăn cho chăn nuôi - Ảnh 4.

Nguồn thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen dễ kiếm. Đó là rác thải nông nghiệp như củ, quả, rau bị hỏng...

Tận dụng 22 ô chuồng lợn bỏ trống sau dịch tả lợn châu Phi, anh chị nuôi ấu trùng ruồi lính đen ngay ở mặt sàn, có những chuồng phía trên anh chị nuôi gia cầm, phía dưới nuôi ấu trùng.

Nguồn thức ăn cho ấu trùng, một phần được anh đặt mua bã đậu tại nhà máy sữa Fami và một phần tận dụng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Vừa nuôi ấu trùng ruồi lính đen, anh chị thử nghiệm cho những con vật nuôi trong trại của mình ăn để kiểm nghiệm hiệu quả chất dinh dưỡng đối với vật nuôi.

Nuôi con đẻ một lần rồi chết, không lo tốn tiền mua thức ăn cho chăn nuôi - Ảnh 5.

Những con gà được nuôi hoàn toàn bằng ấu trùng ruồi lính đen khỏe mạnh, lông mượt, thịt ngon...

"Khi tôi cho gà, vịt, ngan, lợn, cá... ăn ấu trùng có thể khẳng định: Những vật nuôi được cho ăn ấu trùng ruồi lính đen thì phát triển tốt, lớn nhanh, sức đề kháng cao, không cần tiêm các loại vacxin, mẫu mã, màu sắc đẹp, thịt ngon"… chị Nga chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Thấy được hiệu quả từ ấu trùng ruồi lính đen, anh Hải đã làm hệ thống nhà lưới để ruồi sinh sản, nhân giống. Theo đó, mỗi gam trứng ruồi sau khi nuôi sẽ cho khoảng 300kg ấu trùng. 

Với giá thành hiện tại, mỗi gam trứng rồi được bán với giá 2 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày anh Hải thu khoảng 3 - 7 gam trứng. Còn ấu trùng được bán với giá từ 25 - 120 ngàn/kg tùy ấu trùng từng giai đoạn.

Nuôi con đẻ một lần rồi chết, không lo tốn tiền mua thức ăn cho chăn nuôi - Ảnh 6.

Anh Hải thu gon trứng ruồi lính đen.

Điều đáng nói, theo anh Hải, vốn đầu tư để nuôi loại côn trùng này không lớn nên mọi nông dân đều có thể đầu tư nuôi được.

Vòng đời của con ruồi lính đen khoảng 45 ngày. Từ trứng nở ra ấu trùng rồi đến kén sau đó từ kén nở ra con ruồi.

Nuôi con đẻ một lần rồi chết, không lo tốn tiền mua thức ăn cho chăn nuôi - Ảnh 7.

Những con ruồi vừa thoát khỏi ấu trùng đậu kín trên các cây trong nhà màng để sinh sản.

Để nhân giống, anh xây dựng hệ thống nhà màng với diện tích 130m2 để nuôi ruồi đẻ trứng. Khuôn viên nhà màng vừa có ánh sáng vừa có bóng tối, có những cây xanh để thuận lợi trong việc ruồi sinh sản. Những con ruồi sẽ tìm đến những chiếc khuôn được anh Hải làm sẵn để đẻ trứng..

Những bạn chăn nuôi của anh Hải, sau khi biết anh chị nuôi thành công con ruồi lính đen đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm và mua ấu trùng về nuôi thử. Ai cũng được anh chỉ bảo tận tình về kỹ thuật nuôi loại ấu trùng này.

Nuôi con đẻ một lần rồi chết, không lo tốn tiền mua thức ăn cho chăn nuôi - Ảnh 8.

Anh Hải hướng dẫn bạn chăn nuôi cách ươm nuôi ấu trùng ruồi lính đen.

Anh Hải khẳng định: Đến nay, tôi có thể khẳng định tôi đủ tự tin để tái sản xuất lại chăn nuôi. Trong chăn nuôi, khinh phí phần lớn là đổ vào thức ăn nên người chăn nuôi không còn lời lãi bao nhiêu. Nhưng khi nuôi thành công con ruồi lính đen này, tôi không phải lo đến nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi trong trang trại. Ấu trùng ruồi lính đen có thể dùng làm thức ăn cho cá, gà, vịt, lợn…

Những chiếc vỏ ấu trùng sau khi con ruồi thoát xác cũng được trộn lẫn cùng vỏ tôm, ốc bươu vàng ... xay ra để làm viên thức ăn tổng hợp. Chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.

Tại trang trại của anh Hải, hơn 1.500 con vịt, hàng chục con lợn, gà, cá... thời gian qua được anh Hải dùng ấu trùng ruồi lính đen để làm thức ăn thay thế các loại cám trước đây. 

"Tôi đã làm thành công và cũng muốn nhiều người chăn nuôi như tôi áp dụng phương pháp này để phát triển chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình" - anh Hải mong muốn.