Dân Việt

Đề xuất 'tước quyền' chủ đầu tư thu 2% phí bảo trì chung cư

Trần Kháng 29/05/2020 14:13 GMT+7
Theo một số chuyên gia, việc thu phí bảo trì chung cư có thể không để chủ đầu tư toàn quyền nắm giữ mà cần có cơ chế đồng chủ tài khoản với sự giám sát của các cơ quan chức năng để hạn chế "tự tung tự tác".

Chặn "trục lợi"

Theo quy định của Luật Nhà ở 2014 người mua, thuê mua nhà ở đóng với mức là 2% giá trị căn hộ tính trước thuế, do chủ đầu tư thu và tạm quản lý. Sau khi ban quản trị được thành lập và có văn bản yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang tạm quản lý thì chủ đầu tư phải quyết toán và bàn giao kinh phí này cho ban quản trị. 

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy khoản tiền là kinh phí bảo trì này thường bị chủ đầu tư chiếm dụng, chây ì trong việc bàn giao lại cho ban quản trị. Bên cạnh đó, do việc thành lập ban quản trị khó khăn, kéo dài ở một số nơi nên việc bàn giao kinh phí bảo trì cũng bị kéo dài.

Bùng nổ tranh chấp, đề xuất 'tước quyền' chủ đầu tư thu 2% phí bảo trì chung cư - Ảnh 1.

Cư dân Hoà Bình Green City Minh Khai căng băng rôn đòi quỹ bảo trì chủ đầu tư.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM báo cáo về tình hình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP trong năm 2019.

Đáng chú ý, Sở Xây dựng kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị theo hướng các bên khởi kiện tại tòa.

Về lâu dài, sở kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu sẽ theo tỉ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định…

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng từng kiến nghị bãi bỏ quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà tại thời điểm nhận nhà vì không cần thiết, không hợp lý và tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà. Thay vào đó, người mua nhà sẽ đóng kinh phí bảo trì 2% này trong thời hạn năm năm và chia đều trong thời hạn 60 tháng (năm năm cũng thường là thời điểm kết thúc công tác bảo hành nhà chung cư).

Theo ông Châu, việc làm này nhằm giảm gánh nặng của người mua nhà, chấm dứt tranh chấp sử dụng quỹ bảo trì chung cư; Chặn đường bòn rút của một số phần tử xấu trong xã hội tìm cách chui vào ban quản trị chung cư để trục lợi. Đồng thời, đề nghị để ban quản trị chung cư chịu trách nhiệm thu phí bảo trì chung cư và xây dựng cơ chế để ban quản trị thực hiện được nhiệm vụ này.

Cần nghiên cứu

Trước kiến nghị không nên để chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì nhà chung cư 2%, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, việc thu phí bảo trì chung cư là nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế, khi một toà chung cư là đa sở hữu với cả diện tích chung và riêng. Những bất cập về quỹ bảo trì 2% vừa qua dẫn tới tranh chấp ở các toà chung cư là việc chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì, hoặc ban quản trị sử dụng quỹ bảo trì không đúng…

"Chúng ta mới xây dựng và quản lý chung cư được hơn 10 năm nay nên cũng đang từng bước hoàn chỉnh cơ chế quản lý. Các đề xuất về quản lý, thu hay không thu quỹ bảo trì chung cư cần phải được nghiên cứu", Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói.

Bùng nổ tranh chấp, đề xuất 'tước quyền' chủ đầu tư thu 2% phí bảo trì chung cư - Ảnh 2.

Nhiều chủ đầu tư chây ì không bàn giao quỹ bảo trì 2% cho ban quản trị.

Nói về kinh nghiệm các nước, ông Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hầu hết các nước đều quy định các nhà chung cư cần phải có một quỹ bảo trì, sửa chữa, thay thế các phần kết cấu trang thiết bị thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư, chỉ có điều kinh phí đóng góp như thế nào là có sự khác nhau.

Thu trước tại thời điểm bán căn hộ, hiện có Việt Nam và Trung Quốc áp dụng. Trích từ tiền phí dịch vụ hàng tháng có Singapore, Hàn Quốc, một số quốc gia thì nộp khi phát sinh công việc bảo trì.

"Ngay cả khi cư dân có đóng góp bằng cách này, cách khác vào quỹ bảo trì chung cư, thì cũng đòi hỏi kiện toàn một hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ hơn về ban quản trị chung cư và người có trách nhiệm làm chủ tài khoản của quỹ bảo trì, tránh việc một hai cá nhân trục lợi quỹ bảo trì chung cư gây hậu quả không tốt", ông Hà cho biết.