Dân Việt

Báu vật rừng thiêng của bộ tộc chỉ có 105 người và ở Việt Nam chỉ tỉnh này mới có

Hải Dương 29/05/2020 15:29 GMT+7
Người Thủy ở bản Thượng Minh, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) ít dân số nhất tỉnh, hiện chỉ có 27 hộ và 105 người. Đây cũng là nơi sinh sống duy nhất của người Thủy trên đất nước ta. Ở nơi này, người Thủy lớn lên cùng rừng, ham học chữ, cuộc sống đã có nhiều đổi thay.

Báu vật rừng thiêng

Biết chúng tôi tìm đường vượt núi về bản Thượng Minh, ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang ngần ngại, là bởi đường xa, thôn cách trung tâm xã đến 12 km đều là đường đất, nhiều đoạn phải đi bộ, mất nửa ngày mới tới nơi. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn quyết định về Thượng Minh.

Đi được một đoạn thì trời mưa, đường trơn trượt, mọi người đều phải bỏ giày, đi chân đất, bấm các ngón chân chặt xuống đất mà đi…

Mưa ngớt thì đến bản Thượng Minh. Mặt trời vén mây rọi xuống những vệt nắng bên bìa rừng, những mái nhà tranh của người Thủy nép mình dưới các gốc cọ già trong lũng nhỏ bốn bề núi đá. Người dân bản đi rừng cũng bắt đầu kéo nhau về nhà. Các em bé thấy khách lạ, nấp sau bậc, mắt đen láy nhìn ra.

Báu vật rừng thiêng của bộ tộc chỉ có 105 người và ở Việt Nam chỉ tỉnh này mới có - Ảnh 1.

Ông Mùng Văn Chấn được giao trọng trách giữ hòn đá thiêng của tộc người Thủy, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang).

Ông Bàn Văn Kim, 86 tuổi, là người cao tuổi nhất của tộc người Thủy. Ông không biết nói tiếng phổ thông, phải nhờ người phiên dịch nói chuyện với khách. Ông là “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại để thế hệ con cháu biết về tổ tiên, cội nguồn của mình. 

Nhắc lại chuyện xưa, ông Kim bảo, người Thủy ở Hồng Quang đã rất lâu rồi. Bà con sống đầm ấm trong lũng núi này, nghe theo Đảng giữ gìn trang phục, giữ gìn tiếng nói của mình. Người Thủy sống hồn hậu, tin rằng nếu sống tốt thần núi, thần rừng sẽ che chở cho.

 Theo già làng Kim, người Thủy ở đây không biết từ bao giờ đã thờ đá thiêng, chắc là bởi người Thủy quan niệm người sinh ra từ đá và khi chết đi cũng tan vào đá, đá có linh hồn…

Thuở sơ khai của người Thủy họ chế tạo công cụ sản xuất từ đá, đá làm ra hạt thóc, hạt ngô và xua đuổi thú dữ. Vậy nên, người Thủy thờ thần đá là như thế.

Hòn đá thiêng đó được người bản Thượng Minh giao cho người có uy tín cất giữ. Đây là hòn đá đẹp nhất, độc nhất được các thế hệ người Thủy cất giữ. Hòn đá thiêng to bằng nắm tay người lớn, có những chiếc lỗ xâu dây vào được, tựa như tinh thần đoàn kết của người Thủy ở đây - Già Kim thủ thỉ chuyện.

Cuộc sống của người Thủy gắn chặt với tự nhiên, đặc biệt là rừng, bởi vậy hoạt động thu hái các sản phẩm từ rừng như các loại rau, măng rừng, nấm và các loại lá nấu ăn hoặc nhuộm vải đóng vai trò quan trọng. 

Để cải thiện bữa ăn, các gia đình người Thủy phân công người đàn ông trong gia đình đánh bắt cá bằng chài, đơm hoặc mác đâm cá ở những vùng nước lớn, còn phụ nữ chỉ đi bắt, xúc cá, tép ở những dòng suối nhỏ. 

Những lúc nông nhàn và khi thời tiết hanh khô chính là thời điểm mà người Thủy đi săn, nên gia đình đông nhân lực đi săn thì lúc nào cũng có thịt để ăn, thậm chí có thịt để dành vài tháng. 

Người Thủy tin rằng, nhờ có sự nhiệm màu của hòn đá thiêng mà cuộc sống người dân được ấm no, an lành.

Dấu ấn của người Thủy

Ngày trước, người Thủy sống du canh, du cư trên các đỉnh núi cao, việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Thế rồi nghe theo lời Đảng, người Thủy xuống núi học cách làm ra hạt thóc, hạt ngô. 

Dưới chân núi Pù Chậu, người Thủy mở mang những thửa ruộng trồng lúa, làm chuồng trại nuôi lợn nuôi gà, từ đó cuộc sống sung túc hơn, bọn trẻ bắt đầu được đi học chữ, nuôi những “mầm non” vươn cao.

Báu vật rừng thiêng của bộ tộc chỉ có 105 người và ở Việt Nam chỉ tỉnh này mới có - Ảnh 3.

Người Thủy thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) trồng rau sạch để tăng thêm thu nhập và đáp ứng nhu cầu sử dụng cho cả gia đình.

 Ông Làn Văn Lâm, Bí thư Chi bộ thôn Thượng Minh bảo, giờ đây đời sống của bà con đã đổi thay nhiều, qua các lớp tập huấn họ biết trồng trọt theo mùa vụ, chăn nuôi có kỹ thuật cao hơn. Các hộ gia đình người Thủy cùng làm ăn, sinh sống đoàn kết, hòa thuận với các dân tộc Pà Thẻn, Dao, Tày ở địa phương. 

Hiện 100% hộ gia đình đã được sử dụng điện lưới, con trẻ đều được đến trường, nhiều người đỗ đạt cao, trở thành cán bộ. Người Thủy sáng dạ và chăm chỉ học hành như chăm chỉ lên nương, xuống ruộng. Không ít trường hợp học xong phổ thông đi làm ăn xa tại một số khu công nghiệp hoặc theo học cao, từ trung cấp đến đại học.

 Đưa tay lên tính nhẩm, ông Lâm bảo: “Tộc người Thủy có tới 10 người theo học cao, trong đó có 5 người công tác tại xã, huyện, còn lại lập nghiệp ở xa”.

Trước đây, việc dựng vợ, gả chồng của người Thủy tương đối sớm, con trai thường từ 16 - 18 tuổi, con gái từ 14 - 16 tuổi. Tuy nhiên, việc lựa chọn bạn đời đa phần đều do cha mẹ quyết định. 

Người cao tuổi ở bản Thượng Minh cho biết, đến ngày cưới họ mới được gặp nhau. Ngày nay, người Thủy đã thực hiện đúng quy định về độ tuổi kết hôn của Nhà nước, con cái có quyền tự quyết trong hôn nhân. 

Thủ tục cưới hỏi của người Thủy cũng được lược bỏ và đơn gian hơn nhiều. Bởi, ai cũng hiểu rằng, cuộc sống vợ chồng có hạnh phúc hay không là do mỗi người biết gìn giữ, chia sẻ yêu thương trong cuộc sống.

Sống giữa cộng đồng các dân tộc, người Thủy đã bỏ tập quán nội hôn. Trong mỗi gia đình người Thủy hiện nay có nhiều thành phần dân tộc. Bố người Thủy, mẹ người Pà Thẻn, con dâu cả người Dao, con dâu thứ Mông, cháu ngoại người Tày…

Sự pha trộn phong tục tập quán trong mỗi gia đình là tất yếu trong dòng chảy hội nhập. Và để tạo điều kiện cho con cái đi học, đi làm ăn xa, người Thủy lấy theo dân tộc Pà Thẻn là chủ yếu.

 Trong mỗi gia đình người Thủy vẫn gìn giữ tiếng Thủy, sinh hoạt theo phong tục Thủy để con cháu mình không quên nguồn gốc.

Người Thủy không có chữ viết riêng, nhưng được nghe tiếng nói riêng từ lúc nằm nôi và truyền qua các thế hệ, chính tiếng nói đó đã góp phần lưu giữ lại những câu chuyện cổ và các bài hát dân ca. 

Bài hát giao duyên rộn rã trên nương vẫn được những chàng trai, cô gái cất lên để trêu đùa, tán tỉnh nhau giữ núi rừng bát ngát. 

Hay những câu chuyện kể về các vị thần: Thần núi, thần lửa, thần nước… giúp người Thủy có cuộc sống vui tươi và luôn tràn ngập hy vọng dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Trang phục của những cô gái người Thủy không rực rỡ như cô gái dân tộc Dao hay Pà Thẻn. Trong đó, lấy màu đen làm chủ đạo, chỉ điểm xuyết những dải màu xanh dương, trắng và đỏ ở cổ áo, khuỷu tay, cổ tay, thắt lưng, chân váy và khăn quấn đầu. 

Hằng năm, tại buổi trình diễn trang phục các dân tộc xã Hồng Quang trong khuôn khổ lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn, những cô gái người Thủy bước ra đều tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách bởi vẻ đẹp thuần khiết. 

Mỗi khi mùa màng thất bát người Thủy thường mời thầy cúng hành lễ bằng đá thiêng với ước vọng về một mùa màng bội thu. Tục thờ đá thiêng được gìn giữ đến ngày nay và được truyền lại cho các đời sau, cho người có uy tín trong tộc. 

Hòn đá thiêng được buộc vào một đầu sợi chỉ, đầu sợi chỉ kia treo trên đầu ngón tay. Sau đó, thầy mo khấn mời thần linh về chứng giám cho tấm lòng thành của người Thủy, cho những nguyện ước bình an. 

Khi thần về, ngài sẽ ngự trong hình hài của hòn đá thiêng và báo hiệu cho dân làng biết bằng cách rung rung, đung đưa hòn đá. Với người Thủy, đá thiêng giúp họ vượt qua sóng gió, vận hạn và cầu may.

Tộc người Thủy tuy dân số ít, nhưng có tiếng nói và truyền thống văn hóa riêng. Họ đã góp phần vào sự đa dạng văn hóa trên địa bàn huyện Lâm Bình. Đây cũng là điều kiện để huyện Lâm Bình phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, trong đó giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc là nét đẹp mà huyện muốn quảng bá.