Thêm các hình thức thiên tai mới
Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, nên quy định thêm một số loại hình vào trong Luật Phòng, chống thiên tai như sạt lở, sụt lún, sương mù hay cháy rừng.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nêu ví dụ, trong mùa khô năm 2015-2016 hiện tượng sạt lở, sụt lún đất diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng tại các vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau và hiện tượng này còn diễn biến phức tạp hơn trong mùa khô năm 2019-2020.
Hiện, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 1.160 vị trí bị sạt lở, sụt lún đất, ảnh hưởng đến giao thông và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa tính mạng người dân.
Thực tế cũng cho thấy, các khu vực sản xuất theo hệ sinh thái mặn lân cận vùng ngọt hóa trên địa bàn tỉnh Cà Mau thì các kênh, rạch vẫn còn đầy nước mặn. Hiện tượng sạt lở đất, sụt lún đất tương tự không xảy ra.
"Nhằm giúp cho tỉnh Cà Mau sớm có các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai trong thời gian tới, đề nghị Quốc hội bổ sung quy định sạt lở, sụt lún đất ngoài do mưa lũ hoặc dòng chảy thì nguyên nhân sạt lở, sụt lún đất là do hạn hán" - bà Linh kiến nghị.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP.Hải Phòng), trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu như hiện nay, vào mùa khô hay tình trạng thời tiết cực đoan nắng nóng kéo dài gây nên sự mất nước, khô kiệt của thảm thực bì trong các khu rừng, cánh rừng, bề mặt đất nóng lên, gió lớn gây nguy cơ cháy rừng ở mức rất cao.
"Thực tế ở vùng rừng Vườn Quốc gia Cát Bà, nơi tôi đã từng công tác thường xuyên có hiện tượng này. Vì vậy, theo tôi cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng dù do nguyên nhân tự nhiên hay sự cố khác cũng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù" - ông Tùng.
Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị nên nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về phương án ứng phó thiên tai đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) lại tỏ ra băn khoăn về việc đưa sương mù vào trong loại hình thiên tai. Bởi ở miền núi, vùng cao người dân sống quen với loại hình này rồi và nó không phải hiện tượng bất thường. Mặc dù sương mù có thể gây ra một số khó khăn nhất định trong đời sống, chẳng hạn như hoạt động giao thông, vì vậy nên xếp vào những những thông tin cảnh báo.
Điều tiết hợp lý Quỹ phòng chống thiên tai
Theo Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), cần thiết phải thành lập cơ quan quản lý phòng, chống thiên tai cấp huyện, ngoài cấp Trung ương do Bộ NNPTNT và cấp tỉnh do UBND tỉnh quản lý.
Đối với nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, lực lượng xung kích ở cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án 4 tại chỗ.
"Chúng ta tổ chức một lực lượng rất đông nhưng không có người chỉ huy thống nhất thì hiệu quả rất thấp, thậm chí có thể gây cản trở quá trình thực hiện nhiệm vụ" - ông Gia nêu một thực tế.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, công tác phòng, chống thiên tai ở các địa phương, nhất là các địa bàn xã ven biển, hải đảo hay vùng cao cho thấy mỗi khi có bão, lũ, sạt lở đất hay cháy rừng ngay từ giai đoạn đầu của thiên tai trong khi chờ chi viện từ các lực lượng chuyên ngành ở cấp trên tới hỗ trợ, cấp ủy và chính quyền cấp xã phải huy động đội ngũ dân quân tự vệ cùng một lực lượng tại chỗ lớn hơn từ các tổ chức đoàn thể mới đủ sức để triển khai các hoạt động ứng phó.
Thực tế ở vùng rừng vườn quốc gia Cát Bà, nơi tôi đã từng công tác thường xuyên có hiện tượng này. Vì vậy, theo tôi cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng dù do nguyên nhân tự nhiên hay sự cố khác cũng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù".
Đại biểu Bùi Thanh Tùng
Thực tế hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ đã có 8.000/11.000 xã, chiếm khoảng 75% số xã có mô hình lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và hoạt động có hiệu quả.
"Cần xác định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương hoạt động kiêm nhiệm là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai" - ông Tùng nói.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề xuất bổ sung thêm nhóm về nguồn lực của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế.
Bởi, việc phòng, chống thiên tai trong nhiều trường hợp cụ thể đã vượt ra ngoài biên giới, lãnh thổ của quốc gia hoặc trong những trường hợp do thảm họa về thiên tai, cần có sự giúp sức, hỗ trợ, hợp tác quốc tế.
Về quỹ phòng chống thiên tai, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) thống nhất với việc thành lập quỹ phòng, chống thiên tai ở trung ương và quỹ ở cấp tỉnh.
Ngoài ra, theo ông Bình, việc Trung ương điều hòa quỹ phòng, chống thiên tai ở các địa phương cũng cần thiết do có địa phương sử dụng nhiều, có địa phương sử dụng ít, có địa phương sử dụng không hết.
Đây cũng là ý kiến được đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) quan tâm. Theo ông Nhất, việc sử dụng nguồn lực của quỹ phòng chống thiên tai còn bất cập, tồn dư quỹ nhiều.
Quỹ thu được nhưng nhiều nơi không chi, có nơi chi rất ít hoặc do mức chi giới hạn nên chỉ chi được một phần nhỏ.
"Chính phủ cần phải có quy chế thu, chi cho phù hợp, khắc phục những bất cập hiện tại, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và hiệu quả. Trong đó cần hết sức lưu ý đến điều chỉnh cơ chế thu, chi để đảm bảo phù hợp thực tiễn, tránh chồng chéo. Đặc biệt cần có cơ chế điều tiết quỹ giữa các địa phương đảm bảo tính khả thi vì đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách và thành lập ở địa phương nên việc điều tiết từ tỉnh này sang tỉnh khác là tương đối khó. Ngược lại nếu không điều tiết được sẽ dẫn đến tình trạng có khả năng tồn dư quỹ như thời gian qua" - ông Nhất nói.