Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tư, người chuyên đánh bắt cá đồng tại xã Đức Phong (Mộ Đức), thì vài năm trở lại đây, cá đồng khá khan hiếm.
Phải đợi đến cuối vụ lúa, khi nước kênh mương cạn để đánh bắt, nhưng cũng chỉ có 1 vài ký cá rô phi, còn các loại cá bản địa như cá lóc, cá rô đồng, cá mại rất ít.
Nhiều loại cá, lươn đồng tự nhiên được các cửa hàng thực phẩm ưu tiên bày bán theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Giá cá diếc tại chợ là 150 - 160 nghìn đồng/kg, cá leo 250 - 270 nghìn đồng/kg, tép đồng 200 nghìn đồng/kg, tôm đất 200 nghìn đồng/kg, cá chạch 200 - 220 nghìn đồng/kg, lươn đồng 250-350 nghìn đồng/kg...
Chị Trần Thị Xuyến, phường Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi) cho hay: “Con tôi còn nhỏ, nên tôi luôn tìm mua đồ đồng như lươn, tôm đất về nấu cho con. Nếu như năm 2018, một ký lươn tại chợ tạm (TP.Quảng Ngãi) có giá tầm 220 nghìn đồng, thì đến 2019 đã lên 250 nghìn, rồi 270 - 280 nghìn đồng. Thậm chí, có lúc, lươn khan hiếm, tiểu thương không bán theo ký nữa, mà bán theo con; mỗi con lươn nhỏ chưa đến 1 lạng là 30 nghìn đồng, nhưng tôi đành phải mua...".
"Còn tôm đất, mới đầu năm ngoái, giá còn bình ổn ở mức 170 nghìn đồng/kg, thì đến cuối năm, giá lên đến 250 nghìn đồng/kg. Hiện tại, dù giá đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức 200 nghìn đồng/kg”, chị Trần Thị Xuyến cho biết thêm.
“Mỗi lần muốn ăn cá leo, tôi phải đặt hàng chỗ người quen 1 - 2 tháng trời, vì cá leo tự nhiên bây giờ dường như đã cạn kiệt. Còn cá chạch, ngày xưa nhiều là thế, vậy mà bây giờ, muốn đặt 1 ký thì phải dặn trước 2 - 3 ngày, thì người bán mới thu gom đủ số lượng mình cần”, chị Trần Thị Định, ở thị trấn Mộ Đức, cho hay.
Bên cạnh đó, lượng cá đồng giảm nhiều còn do người dân đánh bắt bằng các hình thức tận diệt. Vì vậy, từ một mặt hàng có giá khá bình dân, giá cá đồng đang dần “lên ngôi”, trở thành loại thực phẩm đắt đỏ, nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.