Dân Việt

5 tàu sân bay “tồi tệ” nhất lịch sử

Đức Công 02/06/2020 09:00 GMT+7
Tàu sân bay luôn được biết đến như một loại khí tài quân sự tối tân bậc nhất. Tuy nhiên, không phải chiếc tàu sân bay nào cũng thực sự hữu dụng.
5 tàu sân bay “tồi tệ” nhất lịch sử - Ảnh 1.

Tàu sân bay – khí tài quân sự tối tân (Ảnh: Navy Times)

Nếu không kể tới tàu ngầm, tàu sân bay chắc chắn là loại tàu hải quân phức tạp nhất. Không chỉ có nhiệm vụ đối đầu với tàu chiến, tàu sân bay còn phải đảm bảo an toàn cho các máy bay mình đang chở.

Bất chấp sự phức tạp này, tàu sân bay luôn là một trong những chiến hạm nguy hiểm và hữu dụng nhất. Ngay thời điểm hiện tại, 100 năm sau khi HMS Hermes – tàu sân bay đầu tiên – được hạ thủy, các cường quốc vẫn tiếp tục chế tạo loại tàu này.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết chế tạo tàu sân bay đúng cách. Lịch sử từng ghi nhận sự tồn tại của các tàu sân bay "thất bại".

Sự thất bại của các con tàu này đến từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể là do công nghệ sản xuất còn thô sơ, tàu được thiết kế "cẩu thả", hoặc đội ngũ vận hành và bảo trì chất lượng thấp.

Dưới đây là danh sách 5 tàu sân bay được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử.

Thiết giáp hạm "lai tàu sân bay" Ise và Hyuga

Trong Thế chiến thứ nhất, Nhật Bản đưa vào sử dụng hai thiết giáp hạm lớp Ise. Ise và chiếc tàu chị em Hyuga của mình có chiều dài khoảng 195 m và nặng gần 30 nghìn tấn.

5 tàu sân bay “tồi tệ” nhất lịch sử - Ảnh 2.

Thiết giáp hạm "lai tàu sân bay" Ise (Ảnh: Wikipedia)

5 tàu sân bay “tồi tệ” nhất lịch sử - Ảnh 3.

Thiết giáp hạm "lai tàu sân bay" Hyuga (Ảnh: Wikipedia)

Cả hai thiết giáp hạm này đều được trang bị 12 đại pháo 356 mm (được cố định trên 6 tháp súng), 20 pháo 140 mm và 4 pháo đa dụng 80 mm.

Đai giáp chính của thiết giáp hạm Ise và Hyuga là một lớp thép dày 305 mm. Phần sàn tàu được bảo vệ bởi bộ giáp dày trên 60 mm. Các khẩu pháo chính cũng được gia cố bởi lớp giáp 200 mm.

Trong trận hải chiến Midway, Nhật Bản đã chịu tổn thất vô cùng nặng nề. Họ đã mất cả bốn chiếc tàu sân bay thuộc Đệ nhất hàng không hạm đội. Diễn biến này đã buộc Nhật Bản ra quyết định cải biến thiết giáp hạm Ise và Hyuga thành những tàu sân bay.

Các bộ phận của Ise và Hyuga được nhanh chóng sửa đổi để tối đa hóa khả năng chở máy bay. Từ sáu tháp súng, Ise và Hyuga giờ chỉ còn bốn tháp. Hai tháp súng chính bị tháo bỏ được thay thế bằng hai sàn đáp máy bay nhỏ.

Cả hai tàu được thiết kế để chở được khoảng 24 máy bay. Bên cạnh đó, hệ thống phòng không của Ise và Hyuga cũng được gia cố toàn diện. Mùa thu năm 1943, việc chuyển đổi hoàn tất.

Kết quả, Ise và Hyuga trở thành những thiết giáp hạm "lai tàu sân bay". Sự thiếu chuyên môn hóa của cả hai tàu chính là một nỗi thất vọng. Nếu để chuyên chở máy bay, Ise và Hyuga chỉ có thể cung cấp một lượng máy bay nhỏ. Nếu để chiến đấu, cả hai tàu lại không có đủ hỏa lực.

Tiềm năng vốn đã nhỏ của Ise và Hyuga càng không có đất diễn khi Hải quân Nhật ngày càng tụt dốc. Họ không có đủ phi công, máy bay và cả nhiên liệu.

Kết cục, cả Ise và Hyuga đều bị đánh chìm vào cuối Thế chiến thứ hai. Hai tàu được vớt lên để lấy vật liệu phục vụ công cuộc tái thiết nước Nhật sau chiến tranh. Trớ trêu thay, đây có lẽ lại là công dụng đáng kể nhất của "tàu lai" Ise và Hyuga.

Tàu sân bay Shinano

Shinano được bắt đầu xây dựng vào năm 1940 tại xưởng Hải quân Yokosuka, Nhật Bản. Con tàu được kì vọng sẽ trở thành một trong những thiết giáp hạm vĩ đại nhất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất Shinano đã bị đình trệ vào các năm 1941 và 1942 do Nhật phải dồn lực cho chiến tranh.

5 tàu sân bay “tồi tệ” nhất lịch sử - Ảnh 4.

Tàu sân bay Shinano (Ảnh: Wikipedia)

Sau hải chiến Midway, Shinano cũng phải chịu chung số phận như Ise và Hyuga. Từ con tàu được dự định trở thành một thiết giáp hạm lớp Yamato, Shinano được đưa vào tái cấu trúc để biến thành một tàu sân bay.

Nội bộ Hải quân Nhật đã nổ ra một cuộc tranh luận về mục đích sử dụng của Shinano. Một bên cho rằng con tàu nên là một tàu sân bay đúng nghĩa. Nếu điều này xảy ra, Shinano sẽ soán ngôi lớp tàu sân bay Mỹ Essex và trở thành tàu sân bay đồ sộ nhất thời bấy giờ.

Bên còn lại thì muốn Shinano hoạt động như một tàu sân bay hỗ trợ cho các tàu sân bay khác. Cụ thể, Shinano sẽ chuyên chở nhiên liệu, đạn dược, phụ tùng và máy bay dự phòng. Nếu đi theo hướng này, Shinano sẽ không trực tiếp tham chiến vì không thể chở đủ máy bay chiến đấu.

Sau cùng, Shinano được dàn xếp để trở thành một tàu hỗ trợ. Song, con tàu vẫn sở hữu riêng 47 chiến đấu cơ để đảm bảo sự an toàn của chính mình.

Có thể nói, Shinano đã bị hủy hoại bởi thiết kế nhiều sai sót và thực tại của Thế chiến thứ hai. Nếu là một tàu sân bay thực thụ, việc thiếu máy bay, phi công và thủy thủ của Hải quân Nhật sẽ khiến Shinano gần như vô dụng. Nếu là một tàu sân bay hỗ trợ, con tàu cũng không hữu dụng hơn khi mà chẳng có nhiều máy bay dự phòng để chở.

Trên thực tế, Shinano đã không có cơ hội để phô diễn khả năng hạn hẹp của mình. Vào ngày 29/11/1944, năm tiếng sau khi rời xưởng Hải quân Yokosuka để chạy thử, Shinano đã bị tàu ngầm USS Archerfish của Mỹ đánh chìm.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov

Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay đúng nghĩa đầu tiên và duy nhất được Liên Xô chế tạo trong thời kì chiến tranh lạnh. Đây là con tàu thuộc lớp Kiev.

5 tàu sân bay “tồi tệ” nhất lịch sử - Ảnh 5.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov (Ảnh: Task & Purpose)

Đô đốc Kuznetsov được khởi công xây dựng năm 1981 tại xưởng đóng tàu Nikolayev (nay thuộc Ukraina). Tàu được đưa vào biên chế năm 1990 – những năm tháng cuối cùng của Liên bang Xô viết. Hiện tại, Nga là nước đang sở hữu con tàu này.

Trong suốt những năm đầu thập niên 90, Đô đốc Kuznetsov đã bị bỏ rơi do thiếu ngân sách. Sau đó, tàu trải qua quá trình tân trang từ năm 1996 đến 1998. Tính ra, từ năm 1991 đến 2015, tàu mới chỉ hoàn thành vỏn vẹn 6 cuộc tuần tra biển.

Đô đốc Kuznetsov hiện đã lớn tuổi và cần được "nghỉ hưu". Tuy nhiên, điều này sẽ không sớm xảy ra khi mà Kuznetsov đang là tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga.

Hệ thống đẩy của Đô đốc Kuznetsov được cho là không còn đáng tin cậy nữa. Năm 2009, một sự cố điện đã gây cháy trên tàu. Hậu quả là một thủy thủ đã thiệt mạng. Ngoài ra, chỗ chứa máy bay của tàu bị coi là quá nhỏ. Kuznetsov cũng rất cần được nâng cấp hệ thống điện và bổ sung bộ móc cáp.

Mùa xuân năm 2018, tàu sân bay duy nhất còn hoạt động của Nga này tiếp tục được đưa đi trùng tu. Quá trình này sẽ kéo dài 3 năm và hứa hẹn sẽ giải quyết hầu hết các vấn đề nêu trên. Không may thay, ngân quỹ cho dự án đã bị cắt chỉ còn một nửa. Nhiều hạng mục cải tiến đã bị trì hoãn vô thời hạn.

Tháng 10 năm 2018, nơi bảo dưỡng tàu Kuznetsov - ụ nổi PD50 - gặp sự cố khiến con tàu bị hư hỏng. Dù vậy, nước Nga vẫn khẳng định quá trình tu sửa Kuznetsov sẽ hoàn thành trong năm nay.

Tàu sân bay Chakri Naruebet

Sau hàng chục năm kể từ ngày sản xuất, Chakri Naruebet vẫn đang là tàu sân bay duy nhất ở Đông Nam Á. Con tàu của Thái Lan này là một tàu sân bay hạng nhẹ. Tàu khá linh hoạt khi có thể dùng cho nhiều mục đích, từ bảo vệ biển cho đến cứu trợ thiên tai.

5 tàu sân bay “tồi tệ” nhất lịch sử - Ảnh 6.

Tàu sân bay Chakri Naruebet (Ảnh: Naval Technology)

Dù từng là một vũ khí thủy chiến uy lực, việc cắt giảm chi phí và thiếu bộ phận dự phòng khiến Chakri Naruebet chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Chakri Naruebet được đặt tên theo triều đại Chakri của Thái Lan. Được đóng bởi tập đoàn Bazan, tàu được thiết kế dựa trên lớp tàu Principe de Asturias của Tây Ban Nha. Con tàu dài hơn 180 m và nặng 11400 tấn này được nhập biên chế năm 1997.

Ban đầu, tàu sân bay Chakri Naruebet được trang bị 9 phản lực chiến đấu Harrier có khả năng cất cánh thẳng đứng. Tuy nhiên, số máy bay này đã không còn sử dụng được do thiếu bộ phận thay thế. Hiện tại, 4 chiếc trực thăng SH-60 Seahawk là những gì còn lại của Chakri Naruebet.

Tàu sân bay Chakri Naruebet sở hữu những mạn tàu lý tưởng để Hoàng gia Thái đứng ngắm biển. Dù vậy, việc cắt giảm chi phí sẽ khiến chiếc "du thuyền hoàng gia lớn nhất thế giới" này ít được ra khơi.