Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết, Agribank là ngân hàng thương mại (NHTM) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đang của Agribank chiếm 70% tổng dư nợ của ngân hàng và chiếm 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Không tăng được vốn, lợi nhuận của Agribank sẽ về mức 11.000 tỷ
Tuy nhiên, trong 9 năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng bị suy giảm.
Theo chuẩn mực vốn Basel II (được hướng dẫn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016), tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7,3%. Tại thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).
Do đó, theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phượng, nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế. Đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Đồng thời, các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động ngân hàng, giảm vị thế, vai trò trong hệ thống các tổ chức tín dụng và nguy cơ hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là hiện hữu.
Khi đó Agribank sẽ không bảo đảm được vai trò chủ lực trong việc thực thi chính sách của Chính phủ về phát triển nông nghiệp nông thôn. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững của Chính phủ.
"Nếu không được cấp 3.500 tỷ vốn điều lệ trong năm nay, Agribank tăng trưởng tín dụng cao nhất chỉ 5%, không đạt chỉ tiêu 9-10% mà Ngân hàng Nhà nước giao. Lợi nhuận cũng sẽ giảm hơn 20% về mức 11.000 tỷ", Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh.
Tiền tăng vốn lấy ở đâu?
Trả lời cho câu hỏi "tiền tăng vốn lấy ở đâu?", lãnh đạo Agribank cho biết: Agribank là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ nên vốn điều lệ của Agribank hiện chỉ có thể được bổ sung từ ngân sách nhà nước.
Theo quy định pháp luật hiện hành (Luật số 69/2014/QH13), Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Tuy nhiên, Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 quy định không dùng ngân sách nhà nước để cấp vốn điều lệ cho TCTD thương mại, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Sau khi được Quốc hội chấp thuận, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ triển khai các công việc cần thiết theo đúng quy định có liên quan của pháp luật để đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Mới đây, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4/2020, Chính phủ đã thống nhất về phương án trình Quốc hội xem xét thông qua việc bố trí nguồn ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho Agribank với mức tối đa lên tới 3.500 tỷ đồng.
Lý giải về con số này, theo chia sẻ của Agribank, không phải "tự nhiên mà có". "Năm 2019, Agribank nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 6.300 tỷ đồng trong đó nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2.670 tỷ đồng; lợi nhuận còn lại nộp NSNN 3.630 tỷ đồng.
Năm 2020, dù có khó khăn nhưng Agribank phấn đấu đạt lợi nhuận trên 11.000 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, số tiền nộp ngân sách (chưa bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp) cũng sẽ vào khoảng 3.500 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, mức tăng vốn điều lệ của Agribank sẽ tương ứng với lợi nhuận năm 2020 Agribank nộp ngân sách nhà nước (tối đa 3.500 tỷ đồng). Khoản này không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp", lãnh đạo Agribank lý giải.
Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 để tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019. Mức bổ sung tương ứng với lợi nhuận sau thuế của Agribank thực nộp ngân sách năm 2020, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.
Cũng theo ước tính của bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, lợi nhuận năm 2020 khi được tăng vốn là hơn 12.000 tỷ đồng (tăng thêm 1.000 tỷ đồng so với khi không được bơm vốn), sẽ chỉ giảm 15% so với 2019 trong bối cảnh khó khăn chung của ngành ngân hàng.
Với việc được tăng thêm vốn điều lệ, năm 2021 và các năm tiếp theo, Agribank có điều kiện phát hành bổ sung trái phiếu tăng vốn (50% vốn cấp I tăng thêm), tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay tương ứng, doanh thu tăng thêm từ 4.500 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng. Theo đó, Agribank sẽ tăng nộp ngân sách nhà nước tương ứng 900-1.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại khoảng 1000-1.200 tỷ đồng.
Mặt khác, tạo điều kiện để Agribank hoàn thành các mục tiêu theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tạo đà để tăng trưởng và phát triển, gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và gia tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa.
Thực tế đã cho thấy, việc đầu tư vào ngân hàng quốc doanh đều đặn sinh lời, hằng năm góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế, cổ tức cho ngân sách. Với Agribank, các chỉ số sinh lời những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, tăng đều qua các năm. ROE tăng từ 5,91% năm 2014 lên 17,6% năm 2019; ROA tăng từ 0,35% năm 2014 lên 0,81% năm 2019.
Được biết, tại Kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ dự kiến sẽ trình thông qua việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Dự kiến, sáng 8/6, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình bày tờ trình về vấn đề này trước toàn thể Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ tiếp nối với phần trình bày báo cáo thẩm tra.