Phát biểu của HLV Toshiya Miura trên một kênh truyền hình Nhật Bản hồi tháng 10/2014 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí và dư luận. Nhà cầm quân sinh năm 1963 đề cập về những vấn đề không mới của bóng đá Việt Nam, nhưng trước ông không phải ai cũng nói thẳng. Điều đáng nói hơn cả là dù thời điểm ấy mới làm việc tại Việt Nam không lâu, nhưng HLV Miura dường như đã hiểu rất rõ làng túc cầu xứ sở hình chữ "S", đặc biệt là những mặt thiếu tích cực.
Điều đầu tiên HLV Miura trải lòng sau vài tháng sinh sống tại Việt Nam, chính là những khó khăn trong việc ký hợp đồng với VFF. Theo HLV Miura, quá trình ký hợp đồng diễn ra rất khó khăn, xuất phát từ vấn đề tiền lương hoặc điều gì đó mà ông không rõ. "Từ trước đến nay, LĐBĐ Việt Nam cũng chỉ thường liên hệ với các HLV có kinh nghiệm ở các giải Bundesliga, hạng nhất Bồ Đào Nha, với chế độ đãi ngộ phù hợp với lai lịch của họ. Những HLV đó cứ nửa năm 1 lần lại bị thay đổi bởi đòi hỏi của LĐBĐ Việt Nam. VFF hỗ trợ tôi rất nhiều nhưng cũng có những lúc phải thỏa hiệp vì sự can thiệp từ bên ngoài. Vấn đề chỉ là tôi phải chấp nhận những sự can thiệp ấy đến mức độ nào", HLV Miura nói.
Tiếp theo, như lời nhận xét rất thẳng thắn của HLV người Nhật Bản: "V.League rất kinh khủng!".
"Cầu thủ trên sân không chịu chạy, điều hành giải đấu cũng qua loa. Trận đấu bắt đầu lúc 17h00 trên mặt sân oi bức. Điều này cũng có lý do của nó. Một là do lên sóng truyền hình 2, 3 trận đấu cùng một lúc. Hai là do lúc 19h00 có chương trình thời sự nên không thể tổ chức trận đấu. Nói chung là không đảm bảo được khung thời gian phát sóng", HLV Miura chia sẻ.
Ông Miura cũng đã nói rất thẳng về nhiều chuyện không mới ở làng bóng Việt Nam như lề thói đi trễ về sớm, chơi nhiều ở VFF, thói quen xấu của cầu thủ.
Đặc biệt, HLV người Nhật Bản ngạc nhiên khi tham vọng của VFF không xem nặng sân chơi châu Á và thế giới bởi họ chỉ mong muốn vượt ra khỏi Đông Nam Á. Con đường đi của VFF không sai nhưng cái chính là những trì trệ trong nội bộ VFF và ban tổ chức giải lẫn các CLB chưa nâng tầm trình độ đúng mức.
Gần 6 năm đã trôi qua, bóng đá Việt Nam đã có nhiều thay đổi mang tính tích cực, như các đội tuyển đã giành được nhiều thành tích cao hơn trên đấu trường khu vực và châu lục, đồng thời VFF cũng cho thấy những tham vọng rất lớn của mình. Tuy vậy vẫn còn đó những hạn chế, đặc biệt là vấn đề chuyên nghiệp tại V.League. So với Thai-League (giải VĐQG Thái Lan) hay Malaysia Super League (giải VĐQG Malaysia), giải VĐQG của chúng ta vẫn còn một khoảng cách khá xa.