Nhiều HTX phải thu hẹp sản xuất
Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, tổng số cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành trong HTX nông nghiệp là 6.563 người. Tổng số thành viên của HTX là: 450.355 thành viên, thành viên HTX tăng là do các HTX thành lập mới. Tổng số lao động thường xuyên là: 38.258 người, bình quân lao động thường xuyên của 1 HTX nông nghiệp trên địa bàn 35,7 người/HTX.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, tác động của dịch Covid-19 và các yếu tố dịch bệnh, thời tiết... đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp như giảm sản lượng, doanh thu; thu nhập của thành viên, người lao động không ổn định, đặc biệt là các HTX chăn nuôi gia cầm, các HTX nông nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái...
Đáng chú ý, một số HTX đã phải thu hẹp sản xuất, trong khi cũng có tới 85 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 7,4%).
Nguyên nhân, theo Liên minh HTX TP.Hà Nội, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến các HTX, Liên hiệp HTX trên địa bàn gặp khó khăn trong khâu mua nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Sản xuất ra không tiêu thụ được khiến hàng loạt HTX lâm cảnh túng bấn.
Trong khi đó, các HTX nông nghiệp chuyên cung ứng nông sản, thực phẩm cho bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, khách sạn... chuỗi tiêu thụ sản phẩm bị đình trệ; nguồn cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất cũng giảm theo...
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, vẫn có những HTX tự mình tìm ra cách trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt) Vũ Văn Kỳ cho hay, thế mạnh của Đông Cao là củ cải, cà chua, cải ngồng. Toàn thôn Đông Cao có hơn 200ha trồng rau, củ các loại, trong đó có 134ha được Chi cục Bảo vệ, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đầu năm đến nay, tuy dịch Covid-19 không tác động lớn đến sản xuất của HTX, song mức tiêu thụ cũng bị sụt giảm. Trong đó lượng củ cải xuất bán sang Trung Quốc, Nhật Bản hầu như "đứt ngang".
Để khắc phục tình trạng này, HTX hướng dẫn người dân chủ động đưa giống cây rau ngắn ngày vào trồng để cân đối thị trường, dễ tiêu thụ.
Tìm giải pháp khôi phục nhanh nhất
Ông Nguyễn Văn Chí - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện nay các HTX nông nghiệp gặp không ít trở ngại trong hoạt động do bộ máy quản lý còn nhiều tồn tại, nhất là thường gặp khó khăn về tài chính, nên khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển của Nhà nước và thành phố. Nhận thức của một số cán bộ về mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Các HTX ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, chất lượng cây giống, con giống chưa cao, sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, sức cạnh tranh còn yếu; phát triển vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo quy hoạch, còn lúng túng trong định hướng, đầu tư phát triển kinh doanh.
Nhiều đơn vị chỉ tập trung cho dịch vụ đầu vào (cung ứng giống, vật tư...), những dịch vụ khác như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm.
Liên quan đến vấn đề khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch Covidd-19, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP.Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho biết, Liên minh HTX thành phố đã yêu cầu các HTX tập trung tổng hợp, kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc, thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh do dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, Liên minh HTX TP tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng, qua đó, có biện pháp hỗ trợ kịp thời theo quy định.
Đặc biệt, Liên minh HTX thành phố tích cực phối hợp với các quận, huyện, thị xã; các doanh nghiệp để tư vấn, hướng dẫn các HTX điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh; duy trì, phát triển sản xuất theo chuỗi; tăng cường liên kết, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.