Dân Việt

Phiến đá kênh làng tôi

Phạm Văn Dũng 03/06/2020 08:00 GMT+7
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất làng Bùi, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Chỗ cao nhất là nghè làng - nơi đặt miếu thờ Thành hoàng. Các dòng họ chính được cấp đất xung quanh. Các cành, chi, nhánh được phân lô kế tiếp.

Ai đến thăm làng, muốn tìm hiểu về các dòng họ đều không phải mất công tìm kiếm cho lãng phí thời gian. Cứ đến miếu thờ Thành hoàng và men theo các đường nhỏ xung quanh là tức khắc đến ngay được gia đình các ông tộc trưởng.

Kể chuyện làng: Kênh làng tôi - Ảnh 1.

Các cụ đang tế lễ Thành hoàng làng tại Nghè

Đợt tết vừa rồi tôi có may mắn được ngồi với bác Thành - người cùng họ với tôi. Hiện nay bác đã ở độ tuổi 70 và có uy tín trong làng. Mỗi dịp tế lễ Thành hoàng bác đều có trong đội trống phách, đội dẫn rượu, hoặc cao hơn là được phân công đọc chúc văn, lời dẫn tế… 

Hơn một giờ đồng hồ được ngồi với bác, những câu chuyện khi xưa được bác dẫn giải một cách logic và đầy sức thuyết phục. Bác tự đặt ra câu hỏi và tự giải quyết vấn đề để người nghe hiểu rành mạch từng điển tích một. Chẳng hạn như: Vì sao lại gọi là Nghè Cũ, vì sao gọi là Ngõ Lợ, vì sao gọi là Cống Rố, vì sao gọi là Đồng Đún, vì sao gọi là xóm Bản, xóm Trại, xóm Đồng, ngõ Sâu, ngõ Đình, Cầu Đanh, Chắp Thủy… 

Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về hòn đá kênh mang nhiều dáng dấp của cổ tích, của truyền thuyết khi xưa. Bác kể rằng, cách đây khoảng hơn 500 năm, khi ấy dân làng còn thưa thớt, dăm bảy hộ di tản từ xa đến đây thấy đất tốt nên cắm chốt lập làng. Trong nhiều năm, những bụi rậm được phát quang, kênh mương, đường xóm được be đắp ngay ngắn. 

Kể chuyện làng: Kênh làng tôi - Ảnh 2.

Trò chơi dân gian vào dịp Tết ở làng tôi

Các dòng họ qua mỗi đời đều phát đinh, phát hộ. Khi ấy có con sông cái từ thượng nguồn chảy qua làng khiến mọi giao dịch hàng hóa đều được tận dụng vào sức nước để trung chuyển qua đường sông: mắm, muối, gạo thóc từ xuôi lên ngược; gỗ, luồng, măng, nứa, cát, sỏi, đất, đá được vận chuyển từ ngược về xuôi. Qua những chuyến di lý dài ngày ấy thế là lại có người từ ngược về xuôi sinh sống, có người từ xuôi lên ngược lập ấp và mở rộng đồn điền. 

Cũng trong những chuyến theo bè ngược xuôi ấy có một cụ ông trong làng phát hiện ra một tảng đá nằm kề dòng sông trên thượng nguồn tương đối bằng phẳng. Từ đó, cụ ấp ủ trong lòng là phải tìm ra cách đưa được tảng đá này về kê cạnh con sông quê để lấy cái cho bà con hàng ngày giặt giũ, hóng mát. 

Kích thước ban đầu của viên đá ấy khoảng chừng 6m2 (dài 3m, rộng 2m), dày cỡ 50cm,  độ nặng thì không thể tính bằng tạ được mà phải vài chục tấn chứ chẳng chơi. Bề mặt tương đối bằng phẳng, đủ cho vài ba chục người ngồi lên. 

Nhưng làm sao để vận chuyển với cung đường hơn 100 cây số về xuôi mới là vấn đề cần được bàn bạc, lập kế hoạch, lên phương án một cách chu đáo. Dựa vào sức người thì không ổn, phải nghĩ ra mẹo mực thì may ra mới có thể dịch chuyển được. Vậy là 50 thanh niên trai tráng đã cùng ông lên đường trên chiếc bè gỗ đủ lớn để đặt viên đá vừa sức chịu đựng kéo về xuôi. 

Kể chuyện làng: Kênh làng tôi - Ảnh 3.

Cây gạo đầu làng tôi

Chuyến hành trình phải mất cỡ một tuần mới về được đến làng trong niềm vui và sự hò reo mừng rỡ của người dân. Riêng công đoạn đưa tảng đá xuống bè rồi vần nó lên trên bờ để kê vào chỗ đắc địa là cả một vấn đề tốn khá nhiều sức lực và trí não. Làm sao để khi vần được xuống bè nó không bị nghiêng, bị chao đảo thì đòi hỏi phải có sự tính toán thật kỹ lưỡng. Chỉ cần một sai sót nhỏ là tảng đá rơi xuống sông và ý nguyện ban đầu trở thành công cốc như chơi. 

Lúc bấy giờ nghe kể lại thì các cụ đã phải dùng những khúc gỗ có mấu đóng chặt xuống lòng sông phía bên ngoài bè, sau đó dùng dây bện ghì chặt. Phía mép sông thì đơn giản rồi, chỉ cần đóng hai cọc hai đầu và ghì chắc bằng dây néo cho nó không bị lắc lư, dịch chuyển là ổn thôi. Vậy là để có được kết quả của phiến đá mang về quê và kê vào vị trí như ngày nay, nó đã khiến chúng ta phải khâm phục ý chí và nghị lực của các cụ vô cùng. Thế hệ chúng ta bây giờ sẵn máy móc, sẵn phương tiện hỗ trợ thì công việc này được xem là bình thường. Nhưng khi ấy thực hiện được là cả một chiến tích vang dội khắp trong vùng chứ chẳng hề giản đơn. 

Xung quanh câu chuyện ấy còn có bóng dáng của tâm linh để thêm phần li kỳ. Ai nghe được sẽ càng tăng thêm sức tưởng tượng và góp phần mê hoặc hơn. Ví như khi vận chuyển tảng đá xuống bè, cụ trưởng đoàn đã phải lập đàn khấn vái thổ địa nơi đây để xin phép thần linh cho được mang phiến đá về quê tạo dựng sự vững chãi muôn đời cho cư dân. 

Lúc bấy giờ được thần linh chấp thuận hay sao đó mà lực lượng ghé tay vào khênh một loáng được ngay. Khi về đến quê, chẳng hiểu sao lực lượng ghé tay vào đông hơn mà tảng đá chỉ nhúc nhích được tý một. Vần được lên trên bờ thì ai nấy đều thở đằng tai. Mặc dù còn bị cập kênh, nhưng không ai còn sức để đặt cho nó ngay thẳng được. Từ đó mới có tên gọi "hòn đá kênh" là vì thế. 

Để lý giải cho nguyên nhân, các cụ thêm thắt câu chuyện cho có tính logic và thêm phần li kỳ nữa là tại cụ trưởng đoàn vì vui quá mà đoảng trí không chịu khấn vái thần linh nơi đặt tảng đá này. Thấy người phàm đường đột nên các cụ tỏ thái độ không hài lòng mà phù phép cho tảng đá có phần nặng thêm. Thế đấy, với thánh thần đâu phải là chuyện đùa được.

Bọn trẻ chúng tôi chưa một lần được nghe kể về cầu chuyện đó. Suốt quãng thời gian chăn trâu, cắt cỏ chỉ coi tảng đá là báu vật của làng. Mọi người mỗi khi đi ngang qua liền dừng chân để ngồi nghỉ ngơi sau một đoạn đường dài. Phút thư giãn ấy giúp đầu gối, bắp chân bớt căng cơ, giúp bó cỏ đội trên đầu bớt mỏi. 

Và cũng thật khéo, chặng đường từ nhà đến bãi chăn trâu thì chỗ hòn đá kênh được phân tách làm đôi. Lũ trẻ đến đây được nằm mà bắt chân chữ ngũ nhìn ngắm mây trời với bao thỏa thích. Các bà, các chị đi làm đồng về xuống mương rũ sơ bộ quần áo lao động, rửa vội đôi chân nham nhở bùn đất là có thể lên phiến đá ngồi mà thư thái trong ít phút giây. 

Kể chuyện làng: Kênh làng tôi - Ảnh 4.

Phiến đá kênh làng tôi

Câu chuyện bác Thành kể hôm nay gần như đang bị mai một. Thật may mắn cho tôi là được nghe lại và tôi mạnh dạn viết ra đây cho con cháu sau này lưu truyền để thêm quý, thêm yêu phiến đá. Mặt khác, còn để cháu con biết trân trọng công sức của ông cha thuở xưa. Từ việc làm của các cụ đã cho chúng ta một bài học về lẽ sống: Con người sinh ra trong trời đất phải luôn biết chứng minh với đời rằng, nếu có lòng quyết tâm, có ý chí và nghị lực thì "không gì là không thể". Với việc mang vác tảng đá bằng vật dụng thô sơ, bằng con đường trắc trở và bằng sức vóc nhỏ bé của con người thời bấy giờ xét mục đích sử dụng thì không đáng là bao. Nhưng xét về mặt ý nghĩa thì nó lại lớn lao vô cùng. 

Câu chuyện đã khơi gợi trong mỗi chúng ta niềm tự hào về ý chí phi thường của các cụ khi xưa. Từ đó để các thế hệ cháu con hôm nay cần coi đó làm ngọn đuốc soi đường và luôn tự nhủ với lòng mình rằng: hãy bằng sức vóc và trí tuệ của mỗi thế hệ luôn biết kế tục để vun đắp cho quê hương ngày một thêm xanh tươi, bền vững.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!