Nhìn bóng cây đề xanh mướt bao quấn lấy cổng gạch cũ như một nét vẽ giản dị, thanh bình, rất đỗi thân thương khiến bất cứ ai khi đặt chân bước qua vòm cổng làng Văn Trung đều trào dâng niềm xúc động...
Cổng làng Văn Trung không biết có từ bao giờ nhưng cây đề mọc rễ tua tủa quấn quanh trụ gạch và tỏa bóng che chở cho xóm ấp Văn Trung thì người dân biết rõ lắm!
Ông Cao Hồng, 85 tuổi, nhà ngay sát cổng làng kể: “Xưa, trên cổng có một chòi gác, trong chòi còn có một chiếc mõ gỗ đẽo hình con cá để tuần canh gõ thông báo cho dân làng khi cần. Lúc tôi khoảng 9-10 tuổi, cây đề cao hơn một mét mọc ở kẽ tường của chòi gác...".
Theo ông Hồng, đến 1945, người dân phá chòi, thân cây đề cũng bị chặt, nhưng bộ rễ mọc tua tủa phía dưới vẫn bám chặt vào tường. Toàn bộ cây đề bây giờ chính là phần rễ của cây đề mọc trên chòi gác những năm xưa...
Thời gian trôi qua có thể làm biến cải, bào mòn các dấu ấn vật chất, những trụ cổng có thể rơi vỡ nham nhở, thu nhỏ dần đi nhưng cây đề vẫn cứ lớn lên xanh tươi...Bóng cổng làng thân thương với biết bao kỉ niệm vẫn luôn ghim chặt mãi trong kí ức mỗi người dân nơi đây.
Người già trong làng đôi lúc quên những việc diễn ra thời hiện tại nhưng vẫn có thể kể cho con cháu nghe tường tận, tỉ mỉ về tuổi thơ của mình gắn bó nơi cổng làng.
Một bô lão bảo, khoảng 70 năm về trước, cụ và đám con trẻ trong làng thường chơi đùa dưới bóng cổng rồi đứng đó nhìn ra Cầu Trầm thấy lạ lẫm với những chiếc ô tô của Pháp vận chuyển vật liệu để dân ta xây dựng boong ke cho chúng...
Theo một số tài liệu ghi chép, Văn Trung xưa kia là một ấp nhỏ được thành lập năm 1893. Người đứng ra lập ấp là ông Phan Văn Trạch, khi đó là cai bạ tỉnh Bắc Ninh. Cả ấp lúc ấy mới có 30 hộ và được đặt tên là ấp Văn Trạch.
Sau đó, Bà Lý Đỗ tổ chức cướp đường 38 nên làng bị triều đình triệt hạ, chỉ còn 5-6 người sống sót chạy sang Gia Bình, Lương Tài. Về sau ông Vũ Quang Nhà làm tổng đốc tỉnh Bắc Ninh mới chiêu tập dân làng Trung Lao, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định và một số dân ở Thái Bình, Hưng Yên lên khai phá và gọi là ấp Văn Trung.
Đến nay, cả làng Văn Trung có khoảng 400 hộ dân với trên 1.600 nhân khẩu. Trong thôn chủ yếu là dòng họ Hà Quang, Nguyễn Đình, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn, Hà Duy, Vũ Văn, PHạm Văn, Khương Đình, Cao, Trần…
Trở lại với chuyện cổng làng, bây giờ người dân Văn Trung vẫn luôn tự hào, hãnh diện vì một phần bối cảnh trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” được quay tại chính ngôi làng mình.
Có người còn kể vanh vách từng chi tiết, bối cảnh quay phim ngày đó, đạo diễn đứng chỉ đạo chỗ nào, nhân vật ông Giáo Thứ trong phim bước dưới vòm cổng thân thương của làng mình ra sao, thậm chí còn nhớ như in các diễn viên quần chúng là người làng đi lại, trò chuyện, cuốc đất để phụ họa xung quanh...
Không chỉ vui vì cổng làng được lên phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", bà con làng Văn Trung còn luôn cảm thấy tự hào, trân trọng cổng làng cổ với vẻ đẹp truyền thống vẫn được gìn giữ như báu vật, trở thành biểu tượng của làng xóm, quê hương.
Thời gian gần đây, người làng còn tấm tắc khoe “nếu đến đây buổi tối, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng cổng làng lung linh, lộng lẫy vì từ gốc tới tận ngọn cây đề đã được trang trí hàng trăm dây đèn nhấp nháy và mỗi tối được bật lên rực sáng...”.
Thực là có chút thiệt thòi vì không được chiêm ngưỡng cổng làng khi mặt trời lặn. Song có lẽ vì không phải người làng, không có được niềm hạnh phúc quá đỗi gắn bó, thân thuộc với sự mộc mạc, thân thương ấy nên một người thiên hạ như tôi chỉ thấy ngưỡng mộ và yêu cái màu thời gian rêu phong, cổ kính của tường gạch cũ, chỉ yêu màu xanh rậm rạp với những rễ cây xù xì nâu xám của gốc đề cứ bịn rịn bám chặt lấy cổng làng quanh năm suốt tháng...