Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc Tổng thầu Trung Quốc đề nghị giải ngân 50 triệu USD để tiếp tục triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đặc biệt, số tiền này có nằm trong phương án tài chính dự án và việc giải ngân này có phù hợp với các quy định của hợp đồng ký kết hay không?
Để làm rõ hơn vì sao Tổng thầu Trung Quốc lại đề nghị giải ngân 50 triệu USD cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, PV Dân Việt đã có cuộc làm việc với ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt – Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Phương cho biết: "Việc thanh toán, giải ngân cho Tổng thầu Trung Quốc đều đã được quy định trong hợp đồng ký kết. Theo đó, sẽ giải ngân theo khối lượng công việc (dạng cuốn chiếu) làm tới đâu thanh toán tới đó. Tức là làm xong hạng mục nào, phía Tổng thầu Trung Quốc sẽ trình lên chủ đầu tư các giấy tờ liên quan, khi xét thấy giấy tờ đầy đủ, đáp ứng đúng với quy định trong hợp đồng thì sẽ tiến hành giải ngân hạng mục đó".
"Hiện nay, phần vốn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã có và chuẩn bị sẵn sàng rồi, hạng mục nào hoàn thành cần giải ngân Tổng thầu Trung Quốc phải trình đầy đủ hồ sơ, nghiệm thu cho tư vấn giám sát, Chủ đầu tư để thực hiện giải ngân thôi. Đây là điều khoản hợp đồng quy định như thế", ông Phương tiết lộ quy định của hợp đồng.
Khi được hỏi, trong trường hợp Tổng thầu Trung Quốc kiên quyết đòi thanh toán 50 triệu USD thì mới nghiệm thu, nếu không giải ngân sẽ dừng dự án, ông Phương cho biết: "Tất cả các buổi làm việc, các bên đều phải thực hiện theo đúng các quy định. Theo quy định của hợp đồng khi hoàn thành đúng thiết kế được tư vấn nghiệm thu được các bước theo đúng nội dung của hợp đồng thì chủ đầu tư sẽ giải ngân được tối đa 95%, 5% còn lại sẽ được giữ lại trong thời gian bảo hành 24 tháng, hết thời bảo hành mới xem xét giải ngân hết".
Việc Tổng thầu Trung Quốc đề nghị giải ngân 50 triệu USD là do họ gặp khó khăn về vốn nên có kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn.
"Chúng tôi không từ chối mà luôn luôn ủng hộ việc giải ngân thanh toán nhưng với kiều kiện phải hoàn thành các hạng mục và có đủ hồ sơ, giấy tờ đảm bảo theo quy định thì sẽ giải ngân. Hồ sơ sẽ bao gồm nhiều loại giấy tờ,...", ông Phương chia sẻ.
Đề cập tới phản hồi của Tổng thầu Trung Quốc và quy trình, lộ trình giải ngân chi dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, theo ông Phương, sau khi chủ đầu tư chưa đồng ý giải ngân 50 triệu USD, phía Tổng thầu Trung Quốc đang rất tích cực hoàn thiện các thủ tục để trình chủ đầu tư phù hợp với quy định.
"Việc giải ngân không quy định cứng mà lúc nào cũng có thể giải ngân, thậm chí là liên tục chỉ cần đủ điều kiện là sẽ giải ngân", ông Phương cho biết.
Khi được hỏi về việc trước Tổng thầu Trung Quốc không cung cấp được đầy đủ hồ sơ của dự án, đặc biệt là có tình trạng một số hạng mục thiếu giấy tờ hồ sơ dẫn tới khó nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Phương cho biết: "Hiện nay, việc cung cấp giấy tờ đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên phía Ban QLDA và Bộ GTVT vẫn đang tích cực thức đẩy Tổng thầu Trung Quốc hoàn thành việc này".
Giải thích về quá trình nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Phương cho hay: "Theo quy định ký kết, dự án hoàn thành sẽ được nghiệm thu. Quá trình này, phải có cả nhà Thầu, Tổng thầu Trung Quốc, tư vấn giám sát, Chủ đầu tư,... vận hành thử kiểm tra, đánh giá an toàn phù hợp với quy định của hợp đồng và cơ sở thiết kế thì mới tiến hành nghiệm thu".
Hơn nữa dự án đường sắt đường Cát Linh – Hà Đông có phải nghiệm thu từng phần cấp cơ sở, sau đó tiến hành nghiệm thu cấp nhà nước. "Quy định của Luật hiện hành thì việc nghiệm thu thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, còn Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư. Nếu công tác nghiệm thu đúng với các quy định thì Hội đồng nghiệm thu sẽ có đánh giá, kết luận dự án đủ điều kiện", ông Phương phân tích.
Trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay các nhân sự của Tổng thầu Trung Quốc, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT của Pháp) vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh liên quan đến chính sách của các quốc gia khác nhau.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Dự án, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Ban QLDA Đường sắt thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với Tổng thầu, Tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan để thống nhất giải quyết từng vấn đề cụ thể của Dự án.
Theo Lãnh đạo của Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT cho biết: "Tại cuộc họp trực tuyến ngày 12/05/2020 giữa Ban QLDA Đường sắt với ông Tiêu Vu Thái - Tổng Giám đốc Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC), ông Tiêu Vu Thái đã trao đổi, hiện tại Tổng thầu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ".
Tại cuộc họp này Tổng thầu Trung Quốc đã kiến nghị "Chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án".
"Đây là giá trị đã hoàn thành mà Tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị Chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của Hợp đồng. Hiện nay, Ban QLDA Đường sắt đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%", Bộ GTVT khẳng định.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: "Việc Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của Hợp đồng EPC và các Phụ lục hợp đồng đã ký. Ban QLDA Đường sắt sẽ thực hiện thanh toán cho Tổng thầu Trung Quốc theo các quy định của Hợp đồng và các quy định của pháp luật liên quan. Hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp cùng UBND TP Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan để giải quyết những vấn để thủ tục, cũng như những vướng mắc, sớm đưa nhân sự của Tổng thầu Trung Quốc và các đơn vị Tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại để hoàn thành Dự án.