Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá tiêu hôm nay tại Việt Nam nhích nhẹ so với hôm qua. Trong đó giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu hiện ở mức 52.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với hôm qua. Giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước cũng tăng thêm 500 đồng/kg, đạt 51.000 đồng/kg.
Thấp nhất là ở Đồng Nai và Gia Lai, giá tiêu hôm nay giao dịch từ 49.000-49.500 đồng/kg.
Trước đó, ngày 27 và 29/5 là những thời điểm rất đáng chú ý đối với ngành hàng hồ tiêu. Cụ thể là sau gần 1,5 năm, giá tiêu mới quay trở lại mốc 50.000 đồng/kg.
2 ngày sau đó, giá tiêu ở các vùng trồng trọng điểm liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, trong ngày 29/5, giá tiêu tăng tới 7.000 - 7.500 đồng/kg, chạm mốc 60.000 đồng/kg tại Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là mức giá mà lần gần nhất có được là từ tận tháng 11/2018.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: Giá tiêu thời gian qua có lúc đột biến tăng mạnh. Từ chỗ 45.000 – 46.000 đồng/kg, sau đó giá tiêu tăng lên hơn 50.000 đồng và thậm chí có lúc lên đến 60.000 đồng/kg. Nhưng mấy hôm nay, giá tiêu đã hạ nhiệt.
Nguyên nhân tăng nóng những này qua, theo ông Hải, chủ yếu do các thương nhân Trung Quốc có nhu cầu mua nhiều sau khi dịch Covid-19 được nới lỏng, giúp thị trường sôi động hơn.
Thứ hai, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu thời gian trước đây thường kí hợp đồng bán xa nhiều. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, nhiều đơn hàng bị đình lại, chưa giao được. Nay lại bị cảnh thiếu hàng nên phải tăng mua vào để đủ đơn hàng.
"Ngoài ra, cũng do nông dân mà chủ yếu là các đại lí thấy giá tiêu tăng lên thì có tâm lí giữ hàng lại, không bán. Điều này tạo nên một cơn sốt hồ tiêu trong ngắn hạn. Còn thực tế giá tiêu thế giới có tăng đâu", ông Hải nói.
"Tôi không nắm được con số cụ thể thị trường Trung Quốc. Nhưng theo phản ánh của một số thành viên, khoảng 2 tuần gần đây sức mua hồ tiêu của thương nhân Trung Quốc đã tăng cao hơn trước", ông Hải bổ sung thêm.
Về lâu dài, ông Hải nhận định nguồn cung hồ tiêu thế giới vẫn đang nhiều hơn cầu. Do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nên một số khách hàng mua số lượng lớn trong ít ngày, tạo ra cơn sốt ngắn hạn. Thực chất thị trường hồ tiêu không có gì bất thường.
Vụ thu hoạch tiêu vừa rồi của Việt Nam không bị mất mùa. Cung nhiều trong khi cầu chỉ tăng khoảng 3-5%/năm. Năm nay lại vướng dịch Covid-19 nên dự báo việc tiêu thụ vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Giá tiêu theo đó rất khó tăng cao đột biến.
Về chuyện giá tiêu xuống thấp thời gian dài khiến nông dân chán nản chặt bỏ hàng loạt vườn tiêu, ông Hải khẳng định không có chuyện đó. Diện tích hồ tiêu bị chặt chủ yếu ở những vườn già cỗi, nhiễm bệnh nặng và những nơi trồng không phù hợp. Quãng năm 2015-2016 rất nhiều diện tích tiêu trồng mới ở những vùng không phù hợp khí hậu, đất đai, đến nay cho năng suất kém nên bà con mới chặt bỏ để trồng cây khác.
"Những người trồng tiêu lâu năm, có kinh nghiệm chăm sóc, thâm canh, chẳng ai dại gì chặt bỏ. Bây giờ bà con cũng đã thay đổi quan điểm sản xuất, canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ nên có những vườn hồ tiêu được bà con chăm chút cẩn thận. Hạt tiêu của họ làm ra có chất lượng tốt nên giá bán luôn cao hơn giá thị trường", ông Hải nói.