Theo quan điểm của giới luật sư, việc dự án bất động sản được giao đất không qua đấu thầu là trái quy định pháp luật, buộc phải thu hồi và trả lại nguyên hiện trạng đất đã giao về nhà nước để thực hiện đấu thầu đúng quy định.
Giao đất không qua đấu thầu
Như Dân Việt đã thông tin, sau cả chục năm "đắp chiếu", dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang được "cò đất" rao bán rầm rộ dưới tên dự án Louis City Hoàng Mai. Đáng nói, trong khi pháp lý và điều kiện để bán nhà trong tương lai của dự án chưa rõ ràng nhưng chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai (Công ty Hoàng Mai) đã tổ chức "huy động vốn" bằng các chiêu thức khác nhau.
Cụ thể, mới đầu năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã kết luận, năm 2011, UBND TP Hà Nội giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ không thông qua đấu thầu là vi phạm quy định.
Tiếp đó, năm 2017, UBND TP Hà Nội tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xác định phần diện tích đất ở cao tầng là 7,044 ha, trong đó có 2,04 ha đất đã quy hoạch nhà ở cao tầng khu di dân, đấu giá thực hiện dự án riêng, giao quỹ đất 20% của dự án để làm dự án đối ứng BT, không xem xét đến chủ trương của TP về phát triển quỹ nhà dành cho tái định cư và nhà ở xã hội là trái với qui định của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội.
Để xảy ra vi phạm trên, "trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch Đầu tư và UBND TP Hà Nội", Thanh tra Chính phủ nêu.
Theo tìm hiểu PV, năm 2016, UDIC, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis (Công ty thành viên của Tập đoàn Lã Vọng) và Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới (Công ty con của Tập đoàn Lã Vọng) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để tham gia góp vốn thực hiện dự án này.
Nhưng đến ngày 12/12/2017, UBND TP Hà Nội cho phép giao Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai làm chủ đầu tư dự án, thời gian thực hiện dự án từ quý IV/2016 đến quý IV/2023.
Bày tỏ quan điểm dựa trên quy định pháp luật, luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc một dự án bất động sản được giao đất không qua đấu thầu là trái quy định của pháp luật. Theo đó, các văn bản pháp lý liên quan về sau đều vô hiệu và không có giá trị.
"Trường hợp, khi phát hiện quyết định giao đất trái quy định mà dự án đã đầu tư thì chủ đầu tư có quyền yêu cầu các cơ quan ra văn bản trái thẩm quyền bồi thường giá trị các hạng mục đã đầu tư. Nhưng bản chất, đất được giao trái quy định phải được trả nguyên trạng về Nhà nước. Và nếu ai muốn được sở hữu lô đất đó thì phải thông qua thủ tục đấu thầu theo quy định của pháp luật, lúc đó mới được pháp luật công nhận", luật sư Tuấn Anh nói.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh nhìn nhận, sau khi đã phát hiện dự án được giao đất không thông qua đấu giá thì việc "hợp thức hoá" là không phù hợp. "Cơ quan chức năng không thể làm ra các quyết định hành chính để hợp thức hoá việc giao đất không đúng được. Dự án phải được đưa ra đấu giá, đấu thầu công khai, để nhà đầu tư quan tâm có quyền tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm lợi cho một doanh nghiệp nào đó và tạo sự công bằng trong lĩnh vực đầu tư", luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ai đang giúp "hợp thức" sai phạm?
Trong phần kiến nghị của Thanh Tra Chính phủ đối với dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ nêu rõ: "Trường hợp tiếp tục giao Công ty Hoàng Mai làm chủ đầu tư, UBND TP Hà Nội phải rà soát lại các thủ tục, trình tự theo đúng quy định của pháp luật".
Thế nhưng, chỉ sau khoảng hơn 1 tháng so với ngày ký kết luận Thanh tra nêu trên (17/1/2020) thì phía trong Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ đã có các hoạt động thi công và phía ngoài thì "cò đất" đã đổ bộ, mời chào khách hàng.
Nghiêm trọng hơn, nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi về pháp lý và cân nhắc khi xuống tiền, nhưng không ít người mua lại "liều mình" chọn mua lô đất liền kề, biệt thự Louis City Hoàng Mai trên giấy với số tiền lớn. Cùng với sự "hợp sức" đánh bóng sản phẩm của "cò đất", chủ đầu tư đã ký được nhiều Hợp đồng mua bán với khách hàng ngay cả khi dự án đang thi công hạ tầng.
Đáng nói hơn nữa, trước khi kết luận của Thanh tra Chính phủ vạch rõ sai phạm "dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ giao đất không qua đấu thầu", thì các cơ quan chức năng TP Hà Nội đã có nhiều các văn bản, quyết định hoàn thiện cho dự án này mà không nhắc tới sai phạm trên.
Và ngay cả khi xác định sai phạm cần phải rà soát thì nhiều văn bản hoàn thiện pháp lý cho dự án cũng được làm "thần tốc" đến ngỡ ngàng.
Đơn cử như, ngày 19/3/2020, UBND quận Hoàng Mai đã cấp Giấy phép Xây dựng cho Công ty Hoàng Mai được xây dựng các hạng mục tầng kỹ thuật thuộc dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ.
Ngay sau đó 1 tháng (17/4/2020), Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi Công ty Hoàng Mai về việc "Nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án đầu tư Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ". Văn bản này khẳng định chủ đầu tư ký Hợp đồng bán nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án này phải tuân thủ các quy định của pháp luật quy định... Nhưng khi dự án chưa làm xong hạ tầng thì văn bản này được "cò đất" sử dụng như một "lá bùa" chèo kéo nhà đầu tư xuống tiền.