Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhấn mạnh xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đối với loại nhà ở liền thổ, mua nền để tự xây dựng nhà, phù hợp với khả năng tài chính của người mua nhà, nên Hiệp hội đã có Văn bản 48/2020/CV-HoREA ngày 27/4.
"Văn bản đề nghị, chỉ nên cấm dự án "phân lô bán nền" tại các quận nội thành, khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị trên địa bàn thành phố, như Khoản 2 Điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã quy định", ông Châu cho hay.
Còn tại các huyện, xã thuộc khu vực nông thôn ngoại thành của các đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, thì vẫn cho phép một số dự án "phân lô bán nền" phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và tình hình thực tế của địa phương.
Cũng theo ông Châu, điều 143 và điều 144 Luật Đất đai cho phép tách thửa đất ở nông thôn, tách thửa đất ở đô thị, thì chắc chắn sẽ tạo ra nguồn sản phẩm đất nền đưa ra thị trường, kể cả tại khu vực đô thị.
Do vậy, tại thời điểm hiện nay, chỉ nên hạn chế và kiểm soát các dự án phân lô bán nền tại hai đô thị gồm Hà Nội và TP.HCM là phù hợp, chưa cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh đến các thành phố trực thuộc trung ương khác, hoặc các thành phố, thị xã thuộc tỉnh, mà việc này nên để cho chính quyền địa phương xem xét quyết định.
"Việc đề xuất quy định cấm tuyệt đối hoạt động phân lô bán nền tại 'các khu vực không nằm trong địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh".
Theo HoREA nhận thấy, việc này vừa không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, vừa không đảm bảo quyền của người sử dụng đất được tách thửa đất ở đô thị, đất ở nông thôn, cũng không đáp ứng được nhu cầu nhà ở liền thổ và khả năng tài chính của người mua nhà", ông Châu phân tích thêm.
Tuy nhiên, theo ông Châu, HoREA cũng nhận thấy sự cần thiết Nhà nước phải quản lý, kiểm soát hiệu quả hoạt động phân lô bán nền, để đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, nhất là đối với đất khu vực đô thị, nhằm phát triển đô thị theo quy hoạch, tránh tình trạng phát triển đô thị tự phát "kiểu vết dầu loang", thấp tầng, vừa gây lãng phí quỹ đất, vừa khó kết nối hạ tầng đô thị…
Tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia và HoREA, Bộ Tài nguyên Môi trường mới đây đã xây dựng lại nội dung khoản 17 - điều 1 - "Dự thảo Nghị định" sửa đổi, bổ sung khoản 2 - điều 41 - Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Tài nguyên Môi trường đã chấp thuận đề xuất cho phép dự án nhà ở "được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các khu vực không nằm trong địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương".
Tuy nhiên, theo HoREA, khoản 17 - điều 1 -"Dự thảo Nghị định" lại phát sinh nhiều bất cập. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị rút bỏ nội dung khoản 17 - điều 1 -"Dự thảo Nghị định" sửa đổi, bổ sung khoản 2 - điều 41 - Nghị định 43/2014/NĐ-CP, vì không cần thiết phải sửa đổi khoản 2 - điều 41 - Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi), để giải quyết một số ách tắc của các dự án bất động sản, nhà ở. Trong đó, có cơ chế xử lý các thửa đất của Nhà nước xen cài trong dự án nhà ở, giúp cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại, góp phần kéo theo sự tăng trưởng của nền kinh tế, tăng nguồn cung nhà ở để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.