Nếu không muốn trở thành đường đi cho hạt điều nước ngoài thông qua nhập khẩu, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đề nghị phải sớm dựng các hàng rào để bảo vệ uy tín hạt điều, không chỉ riêng Bình Phước mà cho cả ngành điều Việt Nam.
Uy tín bị thách thức
Đầu năm 2020, lượng điều nhân sơ chế (loại còn vỏ lụa hoặc không còn vỏ lụa) nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Hai mặt hàng trên đều không phải dạng nguyên liệu như điều thô mà là sản phẩm đã qua chế biến. Hầu hết chúng được nhập về, đóng gói hoặc gia công một chút rồi đóng gói, xuất khẩu dưới nhãn mác Việt Nam.
Khi đó Vinacas đánh giá động thái này làm khó cho công tác kiểm soát chất lượng, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Do đó, rất dễ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu chung của sản phẩm điều Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời, gây khó cho doanh nghiệp khi trong nước đã đầu tư rất nhiều cho quy trình chế biến hiện đại.
Sau Tết Nguyên đán, ngành điều chứng kiến cơn khốn khó trầm trọng vì dịch Covid-19 là giao thương ngừng trệ, sản xuất đình đốn. Trong nước, giá điều nhân rớt thảm. Đáng lo hơn là giá điều thô nước ngoài còn thấp hơn giá điều trong nước.
So với điều Campuchia, giá điều trong nước thường cao hơn nhưng càng về cuối vụ thì khuynh hướng này đảo ngược. Tháng 4, điều thô tại Bình Phước có giá 21.000 - 22.000 đồng/kg (tương đương 210 hạt) thì giá ở Campuchia hơn 24.000 đồng/kg. Đến tháng 5, giá điều khoảng 22.500 - 23.000 đồng/kg (180 - 185 hạt/kg) thì giá ở Campuchia khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg (170 - 180 hạt/kg).
Trong khi đó tại EU, các nhà nhập khẩu đang có nhu cầu cao mua hàng để dự trữ vì lo ngại dịch Covid-19 lan rộng ở châu Phi sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung điều thô cho Việt Nam và Ấn Độ.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước đầu tháng 6, Vinacas cho rằng, việc nhập khẩu điều thô với giá thấp hơn điều tại chỗ sẽ gây áp lực cạnh tranh với ngành điều của tỉnh, dẫn đến tình trạng diện tích trồng điều bị thu hẹp. Từ đó, ảnh hưởng đến thương hiệu ngành điều trong nước cũng như thương hiệu điều Bình Phước.
Tình trạng nhập khẩu điều như hiện nay dễ biến Việt Nam trở thành đường đi cho điều nước ngoài thông qua con đường nhập khẩu. Vinacas đề nghị, cần làm tốt công tác chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc đối với điều Bình Phước và các địa phương khác.
Việc nhập khẩu quá nhiều có thể làm mất đi thương hiệu hạt điều trong nước và chỉ dẫn địa lý điều mà Bình Phước đã được cấp. "Bình Phước và các tỉnh trồng điều cần tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất điều sạch để nâng giá trị thương hiệu điều Việt Nam" - ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas bày tỏ.
Đòn bẩy cho hạt điều Bình Phước
Bình Phước là tỉnh đầu tiên có chỉ dẫn địa lý về hạt điều. Tuy nhiên, sau khi được bảo hộ thông qua chỉ dẫn địa lý, ngành điều Bình Phước vẫn phải đối mặt không ít khó khăn.
Bình Phước hiện có hơn 176.000ha điều, chiếm 45% diện tích điều cả nước. Tuy nhiên, sản lượng điều Bình Phước sản xuất chỉ đáp ứng 30% công suất các cơ sở chế biến toàn tỉnh. Phần còn lại chủ yếu nhập khẩu từ Campuchia và các nước châu Phi theo kiểu tạm nhập tái xuất.
Bình Phước cũng đứng đầu cả nước về số lượng cơ sở chế biến hạt điều với 1.416 cơ sở, trong đó 30 doanh nghiệp quy mô vừa, 110 doanh nghiệp nhỏ và 1.262 doanh nghiệp siêu nhỏ. Ngành điều Bình Phước chủ yếu chế biến, sản xuất nhân điều phục vụ xuất khẩu, tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, chưa tận dụng được các chế phẩm, vì vậy giá trị gia tăng chưa cao.
Bà Đào Thị Lanh - Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho biết, việc được cấp quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 3 sản phẩm điều nguyên liệu, điều nhân trắng và điều rang muối là ưu thế riêng của ngành chế biến điều Bình Phước. Doanh nghiệp, cơ sở chế biến và người trồng cần phát huy hơn nữa lợi thế của chỉ dẫn để nâng cao giá trị hạt điều địa phương.
Với nông dân, Bình Phước cũng có hơn 70.000 hộ trồng điều, chiếm khoảng 1/3 số hộ trong toàn tỉnh. Mỗi khi trị trường điều gặp biến, nông dân Bình Phước cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước cho biết, ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình đồng hành từ cây giống, kỹ thuật, liên kết tiêu thụ với nông dân để nâng cao chuỗi giá trị.
Tỉnh Bình Phước cũng đồng tình với quan điểm Vinacas, cần thiết phải xây dựng các hàng rào để bảo vệ mặt hàng điều Bình Phước. Cùng với đó là tăng cường khả năng đề kháng của doanh nghiệp và bà con nông dân trồng điều bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo bà Tuyết, Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích thật sự cho cây điều của trên cả lĩnh vực canh tác và chế biến. Theo đó, 100% diện tích trồng điều sẽ được sản xuất theo quy trình được chứng nhận. Khâu chế biến sẽ nâng cao tỷ lệ cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại, đảm bảo VSATTP, hướng đến kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD vào năm 2030.
"Trước mắt, Bình Phước sẽ tập trung hoàn thành việc lập bản đồ vùng chuyên canh điều, xây dựng chính sách phát triển gồm các chính sách hỗ trợ về tín dụng dành cho người trồng điều tái canh, chính sách về liên kết tiêu thụ sản phẩm" - bà Tuyết nói.