Bà đánh giá thế nào về nỗ lực, sáng tạo và thành tựu trong công tác giảm nghèo của các địa phương trong thời gian qua?
- Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Chính vì vậy, ngay từ năm 2019, các cấp, các ngành, địa phương đã tăng cường chỉ đạo, ban hành các chính sách, văn bản triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.
22 tỉnh tiếp tục ban hành chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn, 16 tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến thực hiện chính sách giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo của 43/63 tỉnh, trong năm 2019 đã bố trí trên 2.200 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu, trong đó ngân sách địa phương là trên 1.500 tỷ đồng, huy động hợp pháp trên 611 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế…
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội, đã vận động được trên 5.000 tỷ đồng để xây dựng sửa chữa 38.329 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ phát triển sản xuất 102.340 hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 458.733 hộ gia đình; hỗ trợ học tập cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 321.988 hộ gia đình.
Chính nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng và người dân, kết quả đã giảm tỷ lệ nghèo từ 5,23% (năm 2018) xuống còn 3,75% (năm 2019); tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 32,25% (năm 2018) xuống còn 26,47% (năm 2019); tỷ lệ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII đề ra.
Tính đến nay, đã có 8/64 huyện thoát nghèo, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi và 1.298 thôn, bản hoàn thành nhiệm vụ Chương trình 135 và đạt chuẩn nông thôn mới, 90 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới...
Xin bà cho biết địa phương nào có kết quả giảm nghèo tốt nhất, vì sao?
- Để đánh giá địa phương có kết quả giảm nghèo tốt nhất là rất khó, vì tùy vào tình hình thực trạng nghèo của mỗi địa phương, vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách cũng như huy động nguồn lực của địa phương để họ đặt ra mục tiêu cũng như kết quả giảm nghèo trên địa bàn.
Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nghèo cả nước bình quân giảm còn dưới 4%.
Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2018.
Tuy nhiên, qua theo dõi, tổng hợp kết quả giảm nghèo từ địa phương thì thấy năm 2019 nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, an sinh - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua Việt Nam phải đối mặt với tình trạng dịch Covid-19 và thiên tai, hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo bà, việc này có tác động như thế nào tới công tác giảm nghèo cả nước?
- Đại dịch Covid -19 có tác động tiêu cực tới toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội không chỉ Việt Nam mà cả thế giới nói chung. Trong đó, nhóm yếu thế của xã hội như người nghèo, cận nghèo bị tác động mạnh mẽ nhất. Tình trạng mất việc làm, không có thu nhập, thực hiện giãn cách xã hội, lương thực không đảm bảo khiến cho đời sống người nghèo đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, thiên tai, hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua cũng đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nói chung và người nghèo nói riêng. Đời sống, sản xuất của người nghèo đều phụ thuộc vào thiên nhiên, đặc biệt là ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, vì thế hạn hán khiến cho sinh hoạt và sản xuất của họ bị gián đoạn.
Bộ LĐTBXH đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều (chung và đối với trẻ em) làm cơ sở đo lường và đề xuất định hướng giảm nghèo giai đoạn 2020 - 2025.
Bên cạnh đó xây dựng khung chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Rõ ràng, hạn hán kéo dài gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, đời sống người dân bị xáo trộn sẽ khiến nguy cơ phát sinh nghèo tăng thêm tại vùng này. Đây là thách thức rất lớn đối với công tác giảm nghèo bền vững của Việt Nam trong thời điểm này.
Vậy địa phương và người nghèo cần phải chuẩn bị gì để làm tốt hoạt động giảm nghèo?
- Các địa phương cần tiếp tục chú trọng, đặt công tác giảm nghèo lên ưu tiên hàng đầu; tiếp tục tập trung nguồn lực, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát để xác định các nguyên nhân nghèo, từ đó đưa ra giải pháp đối với từng nguyên nhân sao cho hiệu quả, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến người dân để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo. Giúp họ áp dụng các mô hình giảm nghèo dựa vào cộng đồng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo thì mới có thể thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đã đề ra.
Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục đánh giá, tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm, những kiến nghị, giải pháp, đề xuất cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thực trạng nghèo trên địa bàn.
Xin cảm ơn bà!
Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo