Diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" có sự tham gia của gần 300 cán bộ khuyến nông cơ sở, hội viên nông dân, chủ trang trại, cán bộ HTX trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ban tư vấn khoa học của diễn đàn đều là những chuyên gia, nhà quản lý hàng đầu về nông nghiệp.
Tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc
Tại diễn đàn, bà con nông dân được các nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp trực tiếp giải đáp các vấn đề vướng mắc về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, thủy sản; tư vấn cho nông dân về các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm...
Từ sáng sớm, dù chưa đến giờ khai mạc diễn đàn song bà con nông dân đã rủ nhau đến hội trường đông đủ, ai cũng muốn chọn cho mình chỗ ngồi thuận tiện nhất. Lão nông Hoàng Mạnh Tưởng (xã Xuân Giang) còn cẩn thận hái lá đu đủ bị bệnh mang đến diễn đàn để nhờ các chuyên gia "bắt bệnh", tư vấn.
Bên cạnh đó, ông Tưởng hỏi thêm: "Đầu tháng 3 vừa qua, tôi có mua hơn 80kg cua giống để nuôi - đây là vật nuôi khá mới mẻ nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Khi xé cua, tôi thấy ở mai cua hay xuất hiện các vết lấm tấm và có sán. Xin các chuyên gia cho biết, con cua bị mắc những bệnh gì và biện pháp phòng, trừ?".
Trả lời câu hỏi của ông Tưởng, PGS-TS Kim Văn Vạn - Trưởng khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Khi nuôi cua, bà con nên chú ý không nên nuôi cua với mật độ quá dày, cho ăn quá nhiều thức ăn dẫn đến dư thừa thức ăn gây ô nhiễm ao nuôi, hay để cua đói cũng không tốt.
Khi xé cua thấy mai cua lấm tấm do bị nấm, hay nhiễm đỉa và sán, bệnh này không gây chết đồng loạt nhưng rất khó diệt đỉa và sán. Người nuôi nên chủ yếu phòng bệnh bằng cách xử lý môi trường nước thông qua các chế phẩm vi sinh.
Đáng chú ý, thời điểm này, giá lợn hơi, lợn giống đang "sốt" nên tại diễn đàn có rất nhiều câu hỏi của bà con nông dân liên quan đến các chính sách hỗ trợ tái đàn chăn nuôi lợn.
Với quy mô 100 lợn nái, 500 lợn thương phẩm, ông Nguyễn Văn Thanh - một trong những hộ chăn nuôi lợn lớn nhất ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, tại diễn đàn Nhịp cầu nhà nông, ông Thanh hỏi: "Hà Nội có chính sách nào hỗ trợ người nuôi lợn tái đàn? Theo yêu cầu của Chính phủ, sang quý III/2020, kéo giá thịt lợn về mức giá 60.000 đồng/kg lợn hơi. Tuy nhiên hiện tại giá lợn giống (loại 6kg/con) là 3,5 triệu đồng/con, thêm chi phí 3 triệu tiền thức ăn, 500.000 đồng tiền điện, thuốc thú y. Với chi phí đầu tư như hiện tại, nếu áp mức giá 60.000 đồng/kg lợn hơi, chắc chắn người chăn nuôi lợn sẽ lỗ nặng. Vậy làm sao để đạt được mục tiêu đàn lợn 1,8 triệu con vào cuối năm 2020 như Sở NNPTNT đề ra".
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết: Trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, TP.Hà Nội có tổng đàn lợn là trên 1,8 triệu con, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Sau khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, thời điểm thấp nhất Hà Nội chỉ còn 0,9 triệu đầu lợn, giảm xấp xỉ 50%, nhưng nay đã phục hồi và đạt 1,2 triệu con.
Hiện TP.Hà Nội đang triển khai một số chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn với mục tiêu khôi phục 1,8 triệu đầu lợn như thời điểm trước dịch vào cuối năm 2020. Cụ thể, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% chi phí tinh lợn ngoại, hỗ trợ 5 triệu đồng/nái, hỗ trợ 3 triệu đồng/đực bố mẹ để đẩy nhanh tăng đàn, tái đàn.
PGS-TS Lê Văn Năm trả lời thêm: "Thời điểm này, với giá lợn giống khá cao, từ 3 - 3,5 triệu đồng/con, bà con nông dân cần cân nhắc, cẩn thận tái đàn. Theo tôi, chỉ những cơ sở, trang trại đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học mới nên tái đàn ở thời điểm này. Khi tái đàn bà con phải biết xuất xứ nguồn gốc lợn ở đâu, lợn phải được tiêm phòng 3 bệnh: Tai xanh, dịch tả cổ điển, lở mồm long móng và không nên bắt lợn trước 35 ngày tuổi".
Nông dân hài lòng
Còn chị Nguyễn Thị Điệp - nông dân chăn nuôi lợn ở huyện Sóc Sơn băn khoăn hỏi: "Thời điểm này, khi nông dân tái đàn lợn mà bị dịch tả châu Phi thì có được hỗ trợ không?".
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết: Khi tái đàn chăn nuôi lợn mà bị dịch tả lợn châu Phi, bà con nông dân vẫn được hỗ trợ bình thường với 4 điều kiện bắt buộc là: Tái đàn ở vùng không có dịch, hoặc đã qua dịch ít nhất 30 ngày; lợn giống được nhập nuôi về phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, khi tái đàn bắt buộc phải báo chính quyền, việc tái đàn phải đảm bảo nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học.
Hiện, Sở NNPTNT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các hộ chăn nuôi an toàn sinh học.
Trả lời các câu hỏi về cách chăm sóc các loại cây trồng có múi, TS Cao Văn Chí - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi, Viện Nghiên cứu rau quả, cho biết: Không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây có múi, chỉ làm sạch gốc cỏ thường xuyên. Đất trồng cây có múi phải được cải tạo thường xuyên, hàng năm phải bón bổ sung hàm lượng phân hữu cơ vi sinh, vôi bột, lân để cải tạo đất (pH>5,5) và bộ rễ cây ăn quả.
Ví dụ: Đối với cây ăn quả có múi từ 5-10 năm tuổi, cuốc đất theo hình tán cây, bón phân chuồng hoai mục (50-70kg), lân bột (2-3kg), vôi bột (1-1,5kg), NPK tổng hợp bón lót (1-2kg), phân hữu cơ vi sinh (2-3kg).
Theo TS Cao Văn Chí, bà con nên thường xuyên bón bổ sung phân hữu cơ và phân vi sinh. Hiện nay, một số nhà vườn đã chuyển đổi sử dụng phân hữu cơ và phân vi sinh lên đến 70% so với lượng phân bón hàng năm cho cây ăn quả có múi.
Tại diễn đàn có khá nhiều câu hỏi được đưa ra liên quan đến việc nuôi con gì, trồng cây gì để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế nào... Mặc dù diễn đàn chỉ có một buổi, song hầu hết các câu hỏi bà con thắc mắc, băn khoăn đều được các chuyên gia giải đáp đầy đủ, cặn kẽ, dễ hiểu. Nhiều nông dân cho biết họ rất hài lòng vì đã được gỡ rối những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.