Dân Việt

“Cuộc chơi” không dành cho người liều: “Phép thử” với nông hộ nuôi lợn (Bài cuối)

Minh Huệ (thực hiện) 06/06/2020 20:45 GMT+7
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến nay tốc độ tái đàn lợn ở các nông hộ còn gặp khó khăn do thiếu đất, thiếu vốn, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học rất khó.

Trong khi phía doanh nghiệp, các HTX, trang trại lớn tốc độ tái đàn nhanh hơn. Qua đó để thấy, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) chính là một "phép thử" đối với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ.

Thời quan qua, Thứ trưởng đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình tái đàn lợn ở nhiều tỉnh trong cả nước. Ông có thể cho biết việc tái đàn hiệu quả đến đâu?

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp nhằm kéo giảm giá thịt lợn hơi, tăng sản lượng thịt lợn nhằm giảm áp lực nguồn cung, Bộ NNPTNT đã xác định tái đàn, tăng đàn tại chỗ là giải pháp hiệu quả nhất. Ngay sau khi DTLCP lắng xuống, Bộ NNPTNT đã ban hành một số chỉ thị, công điện đề nghị các địa phương thúc đẩy, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, trang trại và nông hộ tái đàn, tăng đàn lợn.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, đến hết tháng 5/2020 đã có khoảng 24,89 triệu con lợn, bình quân tăng 5,78%. Đáng chú ý, ở khu vực 15 doanh nghiệp lớn, tốc độ tái đàn tăng trưởng tới trên 20%, điển hình như các doanh nghiệp C.P, Dabaco, Mavin, Greenfeed Việt Nam, Tập đoàn CJ…

Tổng số đàn lợn đến nay đã tăng lên hơn 80,3% so với trước dịch (năm 2018 là hơn 34 triệu con).

Trong đó, nhiều tỉnh có tốc độ tái đàn đạt từ 90% cho đến trên 100%. Cao nhất là Bình Phước, tốc độ tái đàn đã đạt trên 190%; 10 tỉnh tốc độ đạt trên 90%; 8 tỉnh đạt từ 80-90%; 23 tỉnh tái đàn 70-80%...

Nhìn chung những tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ thì tái đàn hiệu quả, tốc độ phát triển tương đối nhanh. 

Chẳng hạn, Hà Nội hỗ trợ cho người chăn nuôi 5 triệu đồng/con nái, hỗ trợ 3 triệu đồng/con đực bố mẹ để đẩy nhanh tăng đàn, tái đàn với mục tiêu khôi phục 1,8 triệu đầu lợn như thời điểm trước dịch vào cuối năm 2020. 

Hay Nghệ An cũng có chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/con nái, và nhiều tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An, Thanh Hoá, Tuyên Quang, Phú Thọ… đã có các chính sách hỗ trợ khôi phục chăn nuôi lợn. 

Nhiều tỉnh học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh đã làm để đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp với địa phương mình.

Tái đàn lợn thời dịch tả lợn châu Phi - “Cuộc chơi” không dành cho người liều:
“Phép thử” với nông hộ  - Ảnh 1.

Ở những tỉnh Thứ trưởng trực tiếp đi kiểm tra, việc tái đàn lợn còn gặp khó khăn ở khâu nào?

- Hiện vẫn còn một số tỉnh chưa hoàn tất hồ sơ để thực hiện xong các khâu chi trả tiền hỗ trợ tiêu hủy DTLCP. Thứ hai, khi chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại, gia trại thì các hộ chăn nuôi gặp khó vì thiếu quỹ đất.

Thứ ba là bà con rất thiếu vốn. Về vấn đề này, trong buổi họp với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các ngân hàng phải có chính sách cho các hộ vay vốn tái đàn với lãi suất ưu đãi. 

Thứ tư, các nông hộ, gia trại bắt buộc phải đảm bảo an toàn sinh học, siết chặt các tiêu chuẩn chăn nuôi nông hộ.

Việc này với doanh nghiệp thực hiện thuận lợi hơn, nhưng đối với nông hộ nhỏ lẻ thì còn khó khăn. Nhưng khó vẫn phải làm thì mới bảo đảm tái đàn thành công và bền vững được.

Để tăng nhanh đàn lợn, quan trọng nhất là phải đủ số lượng và chất lượng con giống. Ngoài việc cung cấp giống, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là giải pháp then chốt để đảm bảo hiệu quả vì bệnh DTLCP vẫn có nguy cơ tái bùng phát khi chưa có vaccine, thuốc chữa".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Hiện nay hầu hết các địa phương đều hô hào, khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn. Nếu chẳng may hộ đó bị thiệt hại bởi DTLCP thì có được hỗ trợ kinh phí tiêu hủy hay không?

- Việc này sẽ do các địa phương thực hiện. Phía Bộ NNPTNT đang thực hiện tốt Quyết định 793 của Thủ tướng về hỗ trợ kinh phí trong công tác phòng chống bệnh DTLCP. 

Trước đó, khi tái đàn, các hộ phải ký cam kết thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, cơ sở vật chất phải đáp ứng các điều kiện theo đúng quy định.

Về lâu dài, ngành chăn nuôi sẽ dần chuyển dịch theo hướng chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại. Có ý kiến cho rằng DTLCP xảy ra chính là phép thử đối với chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, qua đó thúc đẩy tái cơ cấu chăn nuôi - điều này cũng có phần đúng. 

Tôi lấy ví dụ như ở Nga, năm 2017 xảy ra DTLCP. Thời điểm đó Nga có khoảng 58% số hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ, nhưng hiện nay số hộ nhỏ lẻ giảm chỉ còn hơn 12%. Nay mai, ở nước ta kể cả chăn nuôi nhỏ lẻ cũng phải có điều kiện.

Hiện nhiều nông dân còn chưa biết về Luật Chăn nuôi, vậy làm thế nào để nông hộ thực hiện nghiêm túc, nuôi 1 con lợn hay vài con gà cũng đăng ký?

- Trong Luật Chăn nuôi đều đã quy định rất rõ, rồi trong các nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên quá trình phổ biến luật chưa thực hiện được ngay do vướng dịch Covid-19. Vừa rồi chúng tôi mới triển khai được 3 hội nghị phổ biến hướng dẫn.

Còn về các chế tài xử phạt, quy định về đăng kí khi chăn nuôi, trong quy định đều đã rõ và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!