Dân Việt

Chuyện kỵ ở quê tôi

Phi Tân 06/06/2020 08:00 GMT+7
Nhìn tấm ảnh của người bạn đưa lên facebook với chú thích: "Ngày ni nhà có việc"! làm tôi nhớ cái hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng được ba giao nhiệm vụ đi mời kỵ (đám giỗ). Ở quê tôi, thường nhà nào có kỵ người ta hay nói chệch ra là nhà hôm nay "có việc"...

Cứ mỗi lần nhà tôi có kỵ, buổi chiều đặt lễ cúng thì buổi sáng mẹ đi chợ mua mấy loại thực phẩm, rau rán cần thiết từ bún khô, nấm mèo, các loại rau quả như cà chua, cà rốt, su bắp, su le và tất nhiên là không thể thiếu mua mấy cân thịt heo mông, ba chỉ; còn vịt gà thì đã có sẵn trong nhà. Ba thì trang trí bàn thờ gia tiên, quét dọn nhà cửa rồi ghi danh sách những người để mời tới ăn kỵ. Người được phân công nhiệm vụ đi mời người quen ăn kỵ là tôi.

Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác đi mời kỵ vừa vui lại vừa lo. Mời hàng xóm gần thì đi bộ, mời bà con họ hàng khác xóm trong làng hơi xa đường thì đạp xe. Áo quần phải chỉnh tề. Tới gặp gia chủ phải vòng tay lễ phép thưa: "Dạ ngày ni nhà con có việc; ba con mời ôn (hay chú, bác) 3 giờ chiều tới uống với nhà con ly rượu...". Gia chủ thường là vui vẻ nhận lời nhưng cũng có khi bận việc chi đó thì nói: "Về nói với ba con là ôn (hay bác, chú) xin kiếu". Cái từ "kiếu" này hình như chỉ được dùng trong ngữ cảnh là đi ăn kỵ mà thôi... Mỗi lần tôi về thông báo lại cho ba tôi biết có ai đó "kiếu" thì ba tôi chợt nhớ ra là chắc bác đó hôm nay bận đi ăn kỵ nhà khác chẳng hạn...

Kể chuyện làng: Chuyện kỵ ở quê tôi  - Ảnh 1.

Mâm kỵ quê tôi

Lại có chuyện vui quanh chuyện mời kỵ ở quê tôi. Đó là chuyện có một chú nọ trong làng tính tình rất nghịch ngợm. Thỉnh thoảng khi nhà hàng xóm có kỵ to là chú tự mình vận áo dài khăn đóng đi mời quanh làng. Đến giờ chủ nhà tá hoả tam tinh khi thấy một số vị khách không có trong danh sách mời mà lại tới ăn kỵ. Thôi thì đã tới rồi thì cũng mời vô mâm uống ly rượu. Sau tra hỏi mới biết chủ nhân của trò đùa là ai rồi thì cũng cười trừ thôi, mà thế lại sinh hay, người làng lại có dịp kết thân hơn.

Ở quê tôi có câu "sướng nhất ăn giỗ (kỵ), khổ nhất đi tranh". Thiệt tình giờ tôi vẫn thấy ăn kỵ là ngon nhất, thấm tháp nhất. Những món kho, xào, chiên, luộc... được bày biện trên những chiếc dĩa con cua be bé chỉ gắp mấy nhúm đũa là hết, có mấy món chỉ 6 miếng dành cho 6 người như chả, tôm rim, thịt ram... Hồi nhỏ tôi hỏi mẹ sao không dọn trên mấy cái dĩa, cái tô to hơn và được mẹ giải thích là kỵ là để tổ tiên ông bà đã khuất thụ hưởng nên món chi cũng nhỏ nhỏ như thế. 

Sau này ngồi với một nhà nghiên cứu Huế, được anh cho biết một trong những nét đặc sắc của xứ Huế từ phố thị đến các vùng quê chính là những mâm cúng giỗ. Mâm kỵ ở Huế được bày biện rất công phu, cầu kỳ lại có rất nhiều món và đặc biệt là chỉ dọn ở những chiếc dĩa, chiếc tô nhỏ, trước là để bày cho được nhiều món từ món canh, món xào, món kho, món chiên, món luộc... Nhưng quan trọng hơn thì mâm giỗ trước hết là "cúng" hướng về người cõi âm thụ hưởng, người cõi dương chỉ được "cấp" thụ hưởng sau... Thế mới có từ ghép "cúng cấp"...

Lại nhớ ngày 12 tháng 3 âm lịch năm nay là ngày huý nhật ông cố tôi. Nếu không có dịch Covid, không cách ly xã hội thì hôm đó nhằm ngày thứ bảy, tôi sẽ chạy xe về làng thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên.

Hồi trước, ngày kỵ này mấy mụ cô của tôi rồi cả mấy o, chú con của mấy mụ người xách con gà con vịt, người mua cân thịt ngoài chợ vô để cùng cúng cho ông ngoại. Tôi nhớ cứ khi nào soạn xong mâm cơm, ba tôi thường sai tôi chạy lên nhà ông cố đầu xóm mời ông xuống quảy cơm. Ông cố là ông nội chú của ba tôi, cũng là tộc trưởng họ Lê Phi, mặc chiếc áo địa màu xanh, đội thêm chiếc khăn đóng cúng trước, sau đó mới đến ba tôi và mấy bà mấy cô ...

Mấy từ cúng quảy kỵ giỗ cũng là đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với nhau, nhưng lại có đôi chút hơi khác. Ví như có nhà nào đó nói rằng: Năm ni nhà tui chỉ làm mâm sơ sơ quảy ông thôi, thì có thể hiểu là kỵ nhỏ, bó hẹp trong gia đình, không mời bà con họ hàng chi cả.

Hồi trước quê tôi còn có kỵ xôi nữa. Kỵ xôi không có nhiều món kho xào như kỵ cơm mà chỉ nấu xôi, mấy dĩa thịt heo luộc, mấy dĩa gà hoặc vịt và thêm tô canh xáo măng. Cũng có thể hiểu kỵ xôi là kỵ nhỏ cốt để "phố" cho ông bà trong ngày húy nhật không bày biện gì nhiều... Tôi chừ vẫn nhớ từng ngày kỵ của nhà tôi. Có tháng tới mấy cái kỵ liền.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!