Theo thông tin từ gia đình cho biết, lễ viếng GS Ngô Đức Thịnh được cử hành từ 9h30 đến 10h45 ngày 8/6 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) và hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ. Di cốt của ông sau đó được an táng tại lăng họ Ngô tại nghĩa trang Hải Phúc, Hải Hậu, Nam Định cùng ngày.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh (sinh năm 1944) tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 1980, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và được phong hàm Giáo sư năm 2002. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, sau nghỉ hưu ông thành lập Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về đạo Mẫu. Ông giữ chức Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam từ khi thành lập năm 2008.
Ngô Đức Thịnh cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan tâm tới văn hóa truyền thống, người nặng lòng với đạo Mẫu. Năm 1992, ông ra mắt cuốn sách "Hát văn". Năm 1996, ông xuất bản hai tập "Đạo Mẫu" (tái bản với tên "Đạo Mẫu ở Việt Nam"). Năm 2008, ông xuất bản cuốn "Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận".
Nhiều người nhận định rằng việc UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2016 có phần đóng góp không nhỏ của GS Ngô Đức Thịnh. Ông từng là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore Châu Á. GS Ngô Đức Thịnh được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.
Một số công trình tiêu biểu của ông như: Đạo Mẫu ở Việt Nam, Luật tục Ê Đê; Nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam (2 tập); Sử thi Tây Nguyên; Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận.