Dân Việt

Giải ngân gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ: Đừng vì sợ sai mà bỏ sót đối tượng

Minh Nguyệt 08/06/2020 06:00 GMT+7
Dù quá trình thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đã được triển khai rộng khắp trong cả nước, nhưng thực tế quá trình triển khai còn chậm. Đặc biệt, việc hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, giải ngân vốn vay cho các doanh nghiệp (DN) khó khăn vẫn còn nhiều vướng mắc.

Mới có 1% lao động tự do được hỗ trợ

Mặc dù là địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện hỗ trợ, nhưng đến nay Hà Nội mới cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ với 4 nhóm đối tượng: Người có công; người nghèo; người được nhận bảo trợ xã hội; lao động có hợp đồng, không đủ điều kiện hưởng BHTN.

Riêng với nhóm lao động tự do, sau nhiều lần rà soát, đến nay cũng mới chỉ có lác đác vài quận, huyện tiến hành hỗ trợ. Một trong số địa phương đó chính là quận Hà Đông. Chiều ngày 5 và ngày 6/6, quận Hà Đông đã tiến hành hỗ trợ cho 329 trường hợp lao động tự do thuộc 6 đối tượng được duyệt theo Nghị định 15.

Giải ngân gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng: Đừng vì sợ sai mà bỏ sót đối tượng - Ảnh 1.

Lao động tự do quận Hà Đông (Hà Nội) được nhận tiền từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. M.N

Theo bà Phạm Thị Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông thì hồ sơ xét duyệt có rất nhiều. Khảo sát trong tháng 4/2020 toàn quận là 5.595 hồ sơ cần hỗ trợ. Tuy nhiên đợt 1, chỉ 1.778 trường hợp đủ điều kiện được quận xét duyệt. "Số lao động tự do rất nhiều nên công tác rà soát, chi trả rất vất vả. Quận quyết tâm sẽ giải ngân sớm nhất số vốn cho nhóm này" - bà Hòa nói.

Báo cáo trong buổi kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 về gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Bộ LĐTBXH trên địa bàn TP.Hà Nội vào chiều 5/6, Sở LĐTBXH TP. Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 5/6, toàn thành phố đã tiếp nhận và xét duyệt 82.504 hồ sơ của lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Trong đó Sở ra quyết định chi trả 915 trường hợp và đã chi trả 333 trường hợp với kinh phí 333 triệu đồng. Như vậy, số hồ sơ đề nghị được hỗ trợ quá lớn mà thực tế số được xét duyệt và có quyết định chi trả thì quá ít, chỉ hơn 1%. Ông Nguyễn Hồng Nhân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Hà Nội cho biết công tác triển khai được thực hiện rất khẩn trương nhưng thực tế còn một số vướng mắc.

Đầu tiên phải kể tới vướng mắc trong việc xác định chính xác các đối tượng thụ hưởng như: Việc thẩm định điều kiện để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng không có cơ sở để kiểm tra, xác minh, mà dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách.

Công tác rà soát, xác định đối tượng trùng hưởng gặp nhiều khó khăn do không có hệ thống theo dõi thống nhất, chủ yếu là rà soát bằng phương pháp thủ công, nên độ chính xác không cao. Lao động ngoại tỉnh làm việc tại Hà Nội tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương còn thiếu thông tin, dữ liệu để so sánh, đối chiếu. UBND cấp xã, phường, thị trấn rất khó khăn trong việc xác định mức thu nhập của người lao động có thấp hơn mức chuẩn cận nghèo để đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ hay không?

Không vì sợ sai mà làm chặt quá

Ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), công tác chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho lao động tự do cũng gặp nhiều khó khăn. Tại phường Cổ Nhuế 1, dù đã rất nỗ lực nhưng đến nay địa phương vẫn chưa thể rà soát, xét duyệt để chi trả xong số đối tượng cần hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch phường Cổ nhuế 1 cho biết: "Lúc khảo sát làm đơn thì rất có rất nhiều lao động đăng ký để được nhận hỗ trợ, thế nhưng thực tế chỉ rất ít người đủ điều kiện" - bà Hà nói.

Nguyên nhân được chỉ ra là do lao động không có hộ khẩu thường trú, hoặc cũng không phải là đối tượng bị giảm sâu thu nhập (dưới mức chuẩn nghèo). Chính bởi vậy, dù có hơn 5.000 hồ sơ đăng ký nhưng thực tế đối tượng có thể được phê duyệt rất ít. "Quan điểm là làm đúng hướng dẫn, làm kịp tiến độ. Không phải vì sợ sai mà làm chậm. Tuy nhiên, do quá trình người dân khai báo hồ sơ chậm nên việc rà soát, xét duyệt, chi trả gặp nhiều khó khăn" - bà Hà nói.

Về phía Phòng LĐTBXH quận Bắc Từ Liêm, bà Chu Thúy Hà - Trưởng phòng cho rằng, thực tế, quận tiếp nhận hồ sơ rất nhiều, nhưng không có nhiều đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ. "Số lao động tự do thuộc 6 nhóm được hỗ trợ chỉ chiếm rất ít, chưa được 1/10 tổng số lao động tự do mà trước đây chúng tôi đã rà soát. Nhiều người làm nghề cắt tóc gội đầu, thợ mộc, lái xe công nghệ... đều không thuộc diện được hỗ trợ dù cuộc sống cũng rất khó khăn" - bà Hà nói.

Hết ngày 20/5/2020, thành phố Hà Nội về cơ bản đã hoàn thành công tác chi trả cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo). Đã có 385.516 người được nhận hỗ trợ với kinh phí là 474,2 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả toàn thành phố đạt 99.97%. Còn 167 đối tượng chưa nhận hỗ trợ vì các đối tượng này hiện đang vắng mặt tại nơi cư trú.

Theo UBND TP.Hà Nội, cái khó vướng mắc lớn nhất lúc này là chính là giải ngân vốn vay cho DN. Nhiều DN không dám vay và không vay được. Người cho vay cũng không dám cho vay vì e ngại, thủ tục chưa đúng.

Hiện nay thủ tục rà soát kê khai thuế, thẩm định số lao động, rồi loại hình kinh doanh trong DN gặp khá nhiều khó khăn. Chính bởi vậy một số DN ngại tiếp xúc, không muốn vay.

Đại diện Bộ LĐTBXH cho rằng gói hỗ trợ 62.000 tỷ là chương trình nhân văn, nên phải làm nhanh, làm chuẩn. Nếu để càng lâu thì mất tính nhân văn vì vậy cần phải làm nhanh, làm sớm"- ông Dung nói. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cái khó nhất là thực hiện hỗ trợ cho nhóm lao động tự do. Thực hiện hỗ trợ xong nhóm này là về cơ bản sẽ hoàn thành gói hỗ trợ. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tập trung làm khẩn trương hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, ưu tiên số 1 cho nhóm này. Theo ông, không quá câu nệ chuyện xác nhận mức sống tối thiểu, lao động tự đã mất việc, làm xa nhà, không có tiền đảm bảo sinh hoạt hàng ngày. Đại diện Phòng LĐTBXH quận Hà Đông cho biết, mặc dù số DN kê khai gặp khó khăn lớn, nhưng đến nay mới chỉ có 10 DN liên hệ với ngân hàng chính sách xã hội để vay vốn. Tuy nhiên, đến lúc triển khai thì chưa có DN nào liên hệ lại để được vay vốn.

Nhiều DN cho rằng, cần phải có cơ chế gỡ khó để DN tiếp cận vốn vay 16.000 tỷ. Thủ tục ban hành quá chặt khiến doanh nghiệp sợ. Bản thân DN cũng ngại khi công khai vấn đề tài chính, lương lậu. Nhiều chuyên gia lao động cho rằng, nếu DN chứng minh được việc khó khăn, phải đi vay để trả lương thì có khi chẳng ai còn, muốn làm ăn cùng nữa.

"Số lượng tiền không nhiều, vì thế cần làm nhanh, làm mạnh. Không vì sợ sai mà không làm, làm chậm. Ta hỗ trợ được nhiều DN, thì sẽ có nhiều người dân hưởng lợi. Khi DN mạnh, người dân yên ổn sản xuất kinh doanh, thì kinh tế được phục hồi nhanh" - Bộ trưởng khẳng định.