Tuy nhiên, do một số khó khăn và tâm lý "sợ sai" mà đến nay một số địa phương chưa thể rà soát xong và tiến hành hỗ trợ cho lao động tự do, DN cần vay vốn trả nợ lương...
Về vấn đề này PV Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH.
Tiến độ thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng như thế nào, thưa ông?
- Các địa phương đã quán triệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, bám rất sát Nghị quyết 42 và Nghị định 15. Việc tiến hành hỗ trợ đã được tiến hành công khai, minh bạch đến tay người dân. Đến nay các địa phương đã phê duyệt hỗ trợ cho 15,8 triệu người, với số tiền khoảng 20.000 tỷ đồng, chưa kể trong đó khoảng 400 tỷ là tiền hỗ trợ các DN, lao động hoãn giãn đóng BHXH và 2.500 tỷ từ BHTN.
Về căn bản các địa phương đã hoàn tất chi trả cho 4 nhóm đối tượng chính: Người có công; người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã hoàn tất bước đầu việc hỗ trợ chi trả với các hộ kinh doanh bị giảm sâu có thu nhập dưới 100 triệu/năm cũng như lao động tự do.
Quá trình thực hiện cũng khiến nhiều địa phương khá đau đầu, việc thực hiện muôn nghìn vạn trạng. Lần đầu tiên chúng ta thực hiện gói hỗ trợ lớn nhất, nhưng sai phạm lại ít nhất. Hiện nay nhiều địa phương đang thông tin là gặp khó khăn thực hiện hỗ trợ lao động tự do và nhóm doanh nghiệp vay vốn. Vấn đề này sẽ được tháo gỡ thế nào?
Trong phiên họp tháng 5 vừa rồi Chính phủ cũng đã nghe các cơ quan báo cáo về vấn đề này. Chính phủ đã đề nghị các địa phương, bộ ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người dân; đặc biệt cần quan tâm tới đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh. Đồng thời cần tập trung hỗ trợ DN để DN tiếp cận được vốn, trả lương để đẩy mạnh sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho lao động. Giải pháp tháo gỡ là đối với lao động tự do cần rà soát lại tổng thể. Trước hết là tạo điều kiện cho tất cả lao động tự do ở địa bàn cư trú được tiếp cận hỗ trợ. Thế còn tiếp cận như thế nào, thì các địa phương cần rà đi rà lại.
Cách tiếp cận chủ yếu là phải công khai minh bạch, đi từng nhà, rà từng ngõ, gõ từng đối tượng. Khi có thông tin thì công khai minh bạch, hỗ trợ như bình thường. Với hộ kinh doanh và DN đủ điều kiện vay vốn, Chính phủ chủ trương giao cho Ngân hàng Nhà nước và Bộ LĐTBXH xem xét xem có những gì vướng mắc trong thời gian qua thì điều chỉnh, yêu cầu tiêu chí để tạo điều kiện DN tiếp cận vốn vay đó để tái thiết nhanh nhất.
Ông có nhấn mạnh rằng không được chậm trễ trong việc hỗ trợ nhưng cũng không được chủ quan. Vậy phải xử lý thế nào cho đúng?
- Chặng khó khăn nhất chúng ta làm tốt, nhưng chặng sau này có khi rất dễ phát sinh sai phạm, chính bởi vậy chỉ cần buông lỏng là nảy sinh vấn đề. Làm chắc thì tốt rồi, nhưng cần làm nhanh, không thể chậm trễ. Thêm vào đó cũng cần loại bỏ tâm lý chủ quan.
Người dân giờ có dân trí cao, thông tin nhanh và đầy đủ. Do đó cần cần giám sát chặt chẽ về mặt thủ tục, tăng cường giám sát của Mặt trận Tổ quốc, cũng như công khai và minh bạch tất cả các trường hợp. Nếu như làm chưa đúng đối tượng, rơi vào nhà dân mà người ta nghèo thì không sao, nhưng đừng để vào nhà quan, vào nhà tổ trưởng, nhà bí thư chi bộ… Chỉ một sai sót bé thôi nhưng tai tiếng cả đời.
Xin cảm ơn ông!